Đà Nẵng: Ấm lòng trạm dừng chân tiếp sức người hồi hương

Rời quê mưu sinh, gặp dịch bệnh phức tạp nên nhiều người tìm cách trở về nhà. Họ về quê trên những chiếc xe máy cũ kỹ, vượt chặng đường dài đèo dốc cả ngàn cây số. Hành trình đầy gian nan nhưng họ không hề đơn độc.

Rời ánh điện trở về nương rẫy

Tại trạm kiểm dịch trên Quốc lộ 1A thuộc xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), Sùng Mí Giàng (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) mệt nhoài, đôi môi trắng bệch, nhợt nhạt với gần 3 ngày vượt đường xa. Giàng vì nhiều ngày dầm mưa cùng với chiếc bụng to vượt mặt khiến em vừa đau lưng, vừa mệt và lạnh run người.

Sùng Mí Giàng ngồi tại chốt kiểm dịch xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)

Sùng Mí Giàng ngồi tại chốt kiểm dịch xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)

Với gần 1.000 km vừa trải qua, Giàng cảm thấy rất sợ. Em đã một lần ngã xe vì đường trơn trượt. Trải qua giây phút nguy hiểm đó, Giàng vẫn đầy nỗi lo cho quãng đường dài phía trước. Dù đã nghĩ đến những khó khăn sẽ gặp phải trên đường về nhưng Giàng và gia đình không còn gì để có thể bám trụ nơi đất khách quê người.

Cha chồng và Sùng Mí Giàng được thành viên nhóm Câu lạc bộ Tình nguyện trẻ Đà Nẵng chở đến hầm Hải Vân

Cha chồng và Sùng Mí Giàng được thành viên nhóm Câu lạc bộ Tình nguyện trẻ Đà Nẵng chở đến hầm Hải Vân

“Ở quê chỉ có trồng bắp. Quê em, đất cằn không có loại nông nghiệp nào khác phát triển được. Rời xa ánh đèn điện của nhà máy là điều em không muốn nhưng giờ khó quá, bây giờ cũng không dự tính nhiều vì còn phải sinh con”, Giàng tâm sự.

Tại cửa ô Hòa Phước, không chỉ mất liên lạc với người nhà, làm thế nào để vừa chở hai cha con Giàng vừa đưa được xe máy đến trạm Trung chuyển hầm Hải Vân cũng là thử thách không hề nhỏ.

Sau khi nắm được câu chuyện, Trung tá Lê Thế Chiến, tổ trưởng chốt kiểm soát cửa ô Hòa Phước đã tạo điều kiện để ô tô của một thành viên nhóm Câu lạc bộ Tình nguyện trẻ Đà Nẵng chở Giàng đến trạm Trung chuyển hầm Hải Vân.

Đến trạm trung chuyển hầm Hải Vân, khi được biết đoàn xe trong đó có 8 người thân của Giàng đã di chuyển qua hầm đến Huế, một lần nữa, các chiến sĩ công an tiếp tục hỗ trợ để Giàng và cha theo kịp đoàn.

Chị Hà Thị Hương đã cho con uống sữa trước khi lên đường vào lúc 3 giờ sáng

Chị Hà Thị Hương đã cho con uống sữa trước khi lên đường vào lúc 3 giờ sáng

Cách đó không xa, dừng chân đổ xăng miễn phí, nghỉ tạm tại trạm trung chuyển, chị Hà Thị Hương (25 tuổi, quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vừa ẵm bồng, vừa xoa lưng cho đứa con mới 21 tháng. Hơn 4 tháng qua, do dịch bệnh, chồng chị Hương thất nghiệp, cuộc sống càng chật vật khi hai vợ chồng đã chi hết tiền tiết kiệm mấy năm. Dù mai đây về nhà chỉ có thể làm nương, nhưng chị nghĩ rằng ít ra đứa con của chị có chút gì đó để qua bữa.

Hai vợ chồng chị Hương và con nhỏ trên hành trình về quê

Hai vợ chồng chị Hương và con nhỏ trên hành trình về quê

Những chuyến xe lặc lè vali, túi đựng chăn màn, quần áo, họ đã thấm mệt sau hàng ngàn cây số xuyên Việt. Đích đến của bà con đa phần là các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Điểm hỗ trợ thực phẩm, nhiên liệu và sửa xe máy

Từ ngày 8-10, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Đà Nẵng triển khai 10.000 lít xăng được đựng trong chai nhựa 1,5 lít hỗ trợ trao cho người lao động tại trạm trung chuyển hầm đường bộ Hải Vân.

Theo ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, những người về quê trong đó có công nhân và gia đình của họ trải qua một thời gian dài thất nghiệp ở các tỉnh phía Nam do dịch bệnh. Xăng sẽ được cho sẵn vào chai đổ đầy bình trước khi qua hầm. Chương trình đầu tiên nên thí điểm 10.000 lít trước. Việc hỗ trợ phải kịp thời, chu đáo nhưng đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Người dân đổ đầy xăng trước khi qua hầm Hải Vân rời địa phận Đà Nẵng

Người dân đổ đầy xăng trước khi qua hầm Hải Vân rời địa phận Đà Nẵng

“Nhiều người bị hỏng xe máy, thiếu thực phẩm, nước uống... và kiệt sức khi đến TP Đà Nẵng. Đây là món quà mà cũng là sự tiếp sức của đơn vị hy vọng bà con về quê sẽ xuôi đường thuận lợi”, ông Đại cho hay.

Bữa ăn vội trước khi lên đường vào 3 giờ sáng

Bữa ăn vội trước khi lên đường vào 3 giờ sáng

Cùng ngày, theo ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, các hoạt động hỗ trợ mà bà con nhận được khi đi qua Đà Nẵng là hỗ trợ nước uống, thực phẩm, cung cấp các suất ăn miễn phí... sẽ do đơn vị phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng, Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng thực hiện.

Đặc biệt, đối với những trường hợp không đảm bảo sức khỏe, các lực lượng sẽ tìm cách sơ cấp cứu và vận chuyển phương tiện, người dân đến trạm trung chuyển hầm Hải Vân và từ trạm trung chuyển hầm Hải Vân về quê theo nhu cầu.

Chuẩn bị sẵn thực phẩm miễn phí cho bà con

Chuẩn bị sẵn thực phẩm miễn phí cho bà con

Tại trạm trung chuyển trước khi người dân hồi hương tiếp tục hành trình, ngoài việc kiểm tra vệ sinh môi trường, thực phẩm hỗ trợ..., Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh thăm hỏi người dân được hỗ trợ và lực lượng, tình nguyện viên đang thực hiện hỗ trợ, đảm bảo an toàn giao thông và công tác phòng dịch.

Trong đó, ông đề nghị Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng và các đơn vị liên quan chuẩn bị thực phẩm, lưu ý đến việc cung cấp một số suất cháo, súp nóng dành cho các em nhỏ, người bị kiệt sức trên đường đi đến địa phận TP Đà Nẵng. Nếu lượng người từ các vùng dịch phía Nam về đông, UBND quận Liên Chiểu cần sớm triển khai lắp đặt một số nhà tạm hỗ trợ người dân tránh trú. Những món quà tuy không lớn nhưng sẽ là “trạm dừng chân” ấm áp trên hành trình trở về.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiểm tra công tác hỗ trợ tại trạm trung chuyển hầm đường bộ Hải Vân

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiểm tra công tác hỗ trợ tại trạm trung chuyển hầm đường bộ Hải Vân

“Chúng ta cố gắng nấu thức ăn nóng ngay tại khu vực để phát cho bà con. Bởi trời đang mưa lạnh, nếu có đồ ăn nóng sẽ đảm bảo vệ sinh, đỡ lạnh bụng, nhất là đối với trẻ nhỏ”, ông Chinh đề nghị.

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/da-nang-am-long-tram-dung-chan-tiep-suc-nguoi-hoi-huong-767117.html