Đà Nẵng bước vào giai đoạn phát triển bứt phá (Bài 2: Sức bật từ 3 trụ cột kinh tế)
Từ định hướng cho đến nền tảng hạ tầng đã chuẩn bị sẵn, Đà Nẵng có nhiều động lực để phát triển bứt phá và bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Từ định hướng cho đến nền tảng hạ tầng đã chuẩn bị sẵn, Đà Nẵng có nhiều động lực để phát triển bứt phá và bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã định hướng rõ, trong giai đoạn tới kinh tế Đà Nẵng tập trung vào 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao (CNC) và kinh tế biển. Xoay quanh 3 trụ cột đó, Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư cho 5 lĩnh vực mũi nhọn là du lịch-dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, logistics, công nghiệp CNC gắn với đô thị sáng tạo- khởi nghiệp, công nghệ thông tin gắn với kinh tế số, nông nghiệp CNC và ngư nghiệp. Để thực hiện theo định hướng này, Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng. Chính phủ cũng đang xem xét thông qua Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế và Đồ án điều chỉnh qui hoạch chung TP Đà Nẵng tới năm 2030, tầm nhìn 2045. Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, đây là bộ 3 công cụ quan trọng để Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết 43 bài bản, đảm bảo phát triển TP lâu dài, đúng vai trò, vị trí và kỳ vọng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết, cả 3 trụ cột du lịch, công nghiệp CNC, kinh tế biển Đà Nẵng đều có dư địa phát triển mạnh trong thời gian tới góp phần tăng qui mô kinh tế, cân đối cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững hơn. Ông Sơn nói, so với cả nước, kể cả các địa phương lân cận, công nghiệp Đà Nẵng thời gian qua bị tụt lại, không tạo ra động lực lớn kéo tăng trưởng kinh tế. Để cải thiện, TP đã hướng đến chiến lược công nghiệp CNC, công nghệ thông tin (CNTT) đồng thời tập trung nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng. Các khu CNC, CNTT, công viên phần mềm (CVPM) đã và đang xây dựng đến giai đoạn thu hút dự án sản xuất, tăng qui mô cho nền kinh tế. Điển hình như Khu CNC đã hoàn thành giai đoạn 1 diện tích 405 ha, giai đoạn 2 diện tích 217 ha, đang xây dựng giai đoạn 3 đạt khối lượng 60%. Thời gian tới, TP sẽ đầu tư 1,7 ngàn tỷ đồng để mở rộng Khu CNC. Hiện tại đã có 18 dự án đầu tư vào Khu CNC, trong đó có những dự án rất lớn như Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ của UAC tổng vốn 170 triệu USD, đã đi vào sản xuất. Ngoài khu công nghiệp (KCN) phụ trợ cho Khu CNC đang xây dựng, Đà Nẵng cũng đấu giá, xây dựng 3 KCN mới tổng giá trị đầu tư 14 ngàn tỷ đồng. Như vậy, thời gian tới TP sẽ có 10 KCN tổng diện tích hơn 2,2 ngàn ha với mặt bằng hoàn thiện sẵn sàng phục vụ đầu tư. Đây là lợi thế rất lớn trong bối cảnh chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI sau đại dịch đang diễn ra mạnh mẽ.
Tương tự trong lĩnh vực hạ tầng CNTT cũng được Đà Nẵng đầu tư mạnh thời gian qua. Ngoài khu CNTT tập trung 131 ha đã hoàn thành tại Hòa Liên (đang mở rộng lên 341 ha), Khu FPT Complex 33 ha ở Hòa Hải, thì TP đã xây dựng Khu CVPM Đà Nẵng hơn 10,8 ngàn m2 , sắp triển khai Khu CVPM số 2 diện tích 5,3 ha tại Thuận Phước, Khu CVPM số 3 tại Hòa Xuân. Mục tiêu của Đà Nẵng 5 năm tới có 4 Khu CVPM và Khu CNTT, tạo thêm 30 ngàn nhân lực phần mềm và nội dung số, đóng góp khoảng 10% GRDP TP.
Trong trụ cột về kinh tế biển giai đoạn tới Đà Nẵng cũng có nhiều động lực phát triển. Hiện TP đang đẩy nhanh tiến độ mở rộng cảng cá, chuyển đổi KCN thủy sản sang dịch vụ thương mại, sớm hình thành Trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Đặc biệt, dự án cảng Liên Chiểu đang gấp rút thủ tục để triển khai, sẽ là động lực rất lớn để phát triển vận tải biển, logistics. KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam cho biết, cảng Liên Chiểu qui mô 450 ha, khu hậu cần gần 200 ha, không chỉ mở ra cơ hội phát triển vượt bậc lĩnh vực logistics mà còn tạo động lực hình thành khu vực đô thị cảng biển hiện đại, năng động phía Bắc TP. Mặt khác khi xây cảng Liên Chiểu thì cảng Tiên Sa với vị trí tuyệt đẹp, sẽ trở thành cảng du thuyền đẳng cấp phục vụ du lịch, nổi tiếng chẳng khác gì cảng Monaco của Pháp.
Trụ cột cuối cùng về du lịch cũng có nhiều dư địa phát triển nhờ nền tảng sẵn có, đồng thời rất nhiều dự án giải trí đẳng cấp, những sản phẩm du lịch độc đáo sẽ được đầu tư thời gian tới. Có thể kể tới như phố đi bộ Bạch Đằng và cầu Nguyễn Văn Trỗi, tuyến du lịch đường thủy dọc sông Cổ Cò (dự án khơi thông sông Cổ Cò 178 tỷ đồng qua địa phận Đà Nẵng đang triển khai), Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn bao gồm cả Bảo tàng Phật giáo tổng vốn 1.000 tỷ đồng hiện đã trình Thủ tướng phê duyệt, Bảo tàng biển tổng vốn 500 tỷ đồng đặt ven biển Sơn Trà kết hợp với Công viên Đại dương hình thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, Bảo tàng tranh “trận chiến 1858-1860” tại Đà Nẵng tổng vốn 1.000 tỷ đồng dự kiến đặt trên đường Trường Sa, Tổ hợp công trình phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế tổng vốn 11.400 tỷ đồng đặt bên bờ sông Hàn phía Q. Ngũ Hành Sơn... Đặc biệt, dự án Công viên châu Á tổng vốn 14 ngàn tỷ đồng được thực hiện từ năm 2021 trên diện tích 868 ngàn m2 được kỳ vọng tạo nên một trung tâm giải trí, phát triển kinh tế đêm năng động của Đà Nẵng. Theo thiết kế, dự án sẽ có khu dịch vụ du lịch theo chủ đề với 126 cửa hàng, tầng cao trung bình 4 tầng; trục đi bộ rộng 25m với ý tưởng đường ánh sáng; trung tâm thương mại điểm nhấn 70 tầng; rạp chiếu phim 6 tầng, nhà hát lớn 3 tầng với sàn nổi băng qua đường Thăng Long vươn ra ngoài mặt nước khoảng 45m.
Như vậy có thể hình dung, cơ cấu kinh tế Đà Nẵng giai đoạn tới sẽ phát triển cân bằng hơn trên 3 trụ cột, đảm bảo tính bền vững hơn, thay vì quá phụ thuộc vào lĩnh vực dịch vụ như thời gian qua.