Đà Nẵng: cần giải pháp toàn diện cho cảng cá Thọ Quang

Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang được đầu tư để trở thành trung tâm nghề cá lớn của khu vực miền Trung gắn với phát triển du lịch, nhưng giữa định hướng và thực tiễn lại còn nhiều tồn đọng, đặc biệt liên quan đến câu chuyện vận hành, khai thác kinh tế sao cho hiệu quả.

Đầu tư hơn 500 tỷ đồng để gắn với du lịch

Cảng cá Thọ Quang nằm tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, được UBND TP Đà Nẵng đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2004, với diện tích sử dụng khoảng 4 ha đất ven bờ và 58 ha mặt nước.

Ngoài nhiệm vụ neo đậu cho tàu thuyền vào tránh bão của khu vực miền Trung, cảng còn là địa điểm tập kết và phân bổ hải sản cho thị trường khu vực. Sau một thời gian hoạt động, cảng đã trở thành “điểm nóng” ô nhiễm cả về rác thải, nước thải và mùi hôi; do quá trình vận hành và bị quá tải.

Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.

Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.

Trước thực trạng này, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định phát triển Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang theo hướng hiện đại, sinh thái, bền vững và thân thiện với môi trường, gắn với phát triển du lịch; nằm trong quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá đồng bộ, trung tâm nghề cá của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Từ năm 2017, Đà Nẵng bắt đầu đầu tư giai đoạn 1 dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang thành cảng cá động lực nghề cá, với tổng vốn đầu tư hơn 217 tỷ đồng. Đầu năm 2024, cảng cá Thọ Quang tiếp tục được TP Đà Nẵng đầu tư thêm 250 tỉ đồng cho giai đoạn 2. Công trình khi hoàn thành sẽ giúp nâng cao năng lực, công suất và hiệu quả hoạt động của cảng cá, và hy vọng góp phần thu hút, phục vụ du lịch địa phương.

Hiệu quả trong công tác khai thác vận hành?

Theo địa phương, dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang là cần thiết và cấp bách nhằm tăng cường tính hiện đai, an toàn và hiệu quả khai thác, đặc biệt nhắm đến mục tiêu phục vụ du lịch. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành và khai thác cảng cá đang bộc lộ nhiều nhược điểm, cần được tính toán để đảm bảo khai thác hiệu quả.

Công tác quản lý, vận hành và khai thác cảng cá đang bộc lộ nhiều nhược điểm, cần được tính toán để đảm bảo khai thác hiệu quả.

Công tác quản lý, vận hành và khai thác cảng cá đang bộc lộ nhiều nhược điểm, cần được tính toán để đảm bảo khai thác hiệu quả.

Ông Nguyễn Lại, Trưởng ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, hiện doanh thu cảng cá đạt khoảng 12 tỷ đồng/năm, chỉ tạm đủ cho đơn vị vận hành, thậm chí khó khăn.

Đáng lo là cơ sở vật chất cảng do nằm gần biển nên xuống cấp rất nhanh, cần thưởng xuyên cải tạo và thay mới. Với dự án cải tạo, cảng cá hy vọng sẽ có thêm nhiều đầu mối hạng mục để mở rộng thêm năng lực hoạt động, như diện tích bến bãi đón tàu thuyền, các khu vực tập kết hải sản, các loại kho đông lạnh, chuyên môn hóa…

Đặc biệt về xử lý môi trường, cảng cá đang áp dụng một số giải pháp khoa học từ các cấp quản lý địa phương, nhằm cải thiện tích cực tình trạng ô nhiễm mùi và rác thải tại chỗ.

Hiện nay, cảng cá đang có khoảng 360 hộ tiểu thương hoạt động làm ăn, với nguồn thu khai thác khá hạn chế, là tầm 1 triệu đồng/tháng/hộ tiểu thương. Tàu thuyền ra vào bến không chở hàng hóa thu trung bình 90.000 đồng/thuyền; tàu chở hàng hóa và sử dụng các dịch vụ sẽ thu dao động 200.000 – 240.000 đồng/thuyền.

Rõ ràng các nguồn thu này là còn hạn chế, cần được hoạch định rõ và có chiến lược dài hơi sau khi được đầu tư nâng cấp cải tạo. Theo ông Nguyễn Lại, cảng cá sẽ cơ cấu lại, giảm từ 20 – 30% số hộ tiểu thương kinh doanh để giúp tăng diện tích mặt bằng buôn bán cho tiểu thương, tăng hiệu quả khai thác.

Riêng về định hướng đầu tư mở rộng liên quan đến đề án phát triển cảng cá trở thành địa điểm phục vụ du lịch, ông Lại cho biết vẫn đang trong quá trình góp ý, nhất là lựa chọn cho đúng các sản phẩm và loại hình kinh doanh đặc thù để phù hợp với xu thế phát triển kinh tế du lịch địa phương. Bài toán vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Tấn Việt

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/da-nang-can-giai-phap-toan-dien-cho-cang-ca-tho-quang.html