Đà Nẵng cần sớm có giải pháp dài hạn ngăn chặn nạn đổ trộm chất thải xây dựng

Tại Đà Nẵng - một thành phố nỗ lực xây dựng 'Thành phố môi trường', đang diễn ra tình trạng đổ trộm chất thải xây dựng ở nhiều địa phương, gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị. Tình trạng này đặt ra nhiều vấn đề về năng lực quản lý chất thải rắn xây dựng của thành phố.

Chất thải xây dựng kèm rác đổ trộm sau trận mưa lớn tại khu vực cạnh nhà máy xử lý nước thải Liên Chiểu.

Chất thải xây dựng kèm rác đổ trộm sau trận mưa lớn tại khu vực cạnh nhà máy xử lý nước thải Liên Chiểu.

Điểm mặt “thủ phạm”

Tại khu vực đô thị Đà Nẵng hiện nay, chất thải rắn xây dựng phát sinh rất lớn, do hoạt động phá dỡ, cải tạo các công trình gia tăng. Tuy nhiên, bên cạnh lượng chất thải xây dựng được xử lý đúng quy định, vô số bãi đổ trộm vẫn ngang nhiên xuất hiện trên vỉa hè, bãi đất trống, kênh rạch,...

 Chất thải xây dựng kèm rác đổ trộm tại một đoạn kênh trên đường vành đai phía tây 2 (đoạn Khu công nghiệp Hòa Khánh).

Chất thải xây dựng kèm rác đổ trộm tại một đoạn kênh trên đường vành đai phía tây 2 (đoạn Khu công nghiệp Hòa Khánh).

Các điểm đổ trộm này không chỉ có chất thải xây dựng, mà còn có rác thải sinh hoạt, “thản nhiên” tồn tại nhiều ngày, nhiều tuần, có nơi người dân phản ánh tồn tại cả năm.

 Chất thải xây dựng đổ ngay trên khu vực cấm tại đường vành đai phía tây 2 (đoạn Khu công nghiệp Hòa Khánh). Ghi nhận trước khi địa phương tiếp nhận phản ánh và đến dọn dẹp.

Chất thải xây dựng đổ ngay trên khu vực cấm tại đường vành đai phía tây 2 (đoạn Khu công nghiệp Hòa Khánh). Ghi nhận trước khi địa phương tiếp nhận phản ánh và đến dọn dẹp.

Bà Hoa, người dân phường Liên Chiểu, ngán ngẩm khi nhắc đến bãi chất thải xây dựng đổ trộm trên đường: “Chính quyền địa phương cũng cử lực lượng xuống cắm bảng, đi tuần tra nhưng mà dễ gì bắt được vì mấy xe đó đi vô chừng lắm. Mình thì sợ thù này kia, đâu dám nói”.

 Tình trạng đổ trộm gây ô nhiễm trên đường vành đai phía tây 2 (đoạn Khu công nghiệp Hòa Khánh).

Tình trạng đổ trộm gây ô nhiễm trên đường vành đai phía tây 2 (đoạn Khu công nghiệp Hòa Khánh).

Tình trạng đổ trộm chất thải xây dựng đã diễn ra những năm qua như một căn bệnh kinh niên của môi trường thành phố. Phức tạp nhất là trên địa bàn các phường: Liên Chiểu, Hải Vân, Hòa Khánh,...

 Chất thải xây dựng kèm rác đổ trộm "bao vây" một khu vực bên cạnh nhà máy xử lý nước thải Liên Chiểu. Ghi nhận vào thời điểm tháng 6.

Chất thải xây dựng kèm rác đổ trộm "bao vây" một khu vực bên cạnh nhà máy xử lý nước thải Liên Chiểu. Ghi nhận vào thời điểm tháng 6.

Khu vực cạnh nhà máy xử lý nước thải Liên Chiểu sau trận mưa lớn đầu tháng 7.

Mặt khác, một bãi tập kết chất thải rắn xây dựng tại đường Trịnh Quang Xuân (phường Hòa Xuân) đang tồn tại nhiều năm qua, dù không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Bà Phương Lan, quản lý Trường mầm non Ánh Ban Mai (nằm sát bãi tập kết ô nhiễm nói trên), cho biết nhà trường nhiều lần kiến nghị về tình trạng ô nhiễm kéo dài nhưng chưa nhận được giải pháp xử lý triệt để.

 Bãi tập kết chất thải rắn xây dựng tại đường Trịnh Quang Xuân (phường Hòa Xuân).

Bãi tập kết chất thải rắn xây dựng tại đường Trịnh Quang Xuân (phường Hòa Xuân).

“Vào mùa nắng, bụi từ bãi thải và xe tải bay thẳng vào trường, buộc phải đóng kín cửa cả ngày, gây bí bách phòng học, ảnh hưởng sức khỏe học sinh và tăng chi phí điện năng. Nhà trường gần như không thể bảo đảm môi trường yên tĩnh, sạch sẽ cho trẻ”, bà Lan nói.

Ông Trần Văn Thuận (77 tuổi, đường Nguyễn Hồng Ánh) cho biết: “Gia đình phải đóng kín cửa liên tục vì bụi bám đầy đồ đạc. Tôi bị viêm phổi, phải đi viện hai lần trong năm qua. Bác sĩ bảo bụi mịn và ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính”.

 Bãi tập kết gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn trong khu dân cư.

Bãi tập kết gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn trong khu dân cư.

Với định hướng xây dựng “Thành phố môi trường”, việc Đà Nẵng vẫn tồn tại tình trạng đổ trộm chất thải xây dựng, cùng bãi tập kết chất thải rắn xây dựng không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường ngay khu dân cư, sát trường học kéo dài nhiều năm, rõ ràng đang đi ngược lại mục tiêu đó.

 Bãi tập kết chất thải rắn xây dựng ô nhiễm nằm cạnh trường mầm non.

Bãi tập kết chất thải rắn xây dựng ô nhiễm nằm cạnh trường mầm non.

Khoảng trống giữa chính sách và thực thi

Không chỉ quy định chế tài xử phạt, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay còn chi tiết hóa trách nhiệm và quy trình quản lý chất thải rắn xây dựng từ khâu phát sinh, thu gom, vận chuyển đến xử lý cuối cùng.

 Một bãi đổ trộm chất thải xây dựng trên đường Lê Sao (phường Hòa Khánh).

Một bãi đổ trộm chất thải xây dựng trên đường Lê Sao (phường Hòa Khánh).

Theo Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường 2020, chất thải từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại đô thị phải được thu gom và chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Với quy định này, chất thải xây dựng phát sinh từ hoạt động cải tạo, sửa chữa của hộ gia đình, cá nhân sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chất thải xây dựng và phá dỡ thuộc nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường. Trong nhóm này, "chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý" được xem là những loại không thể tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất, hoặc không đạt tiêu chuẩn để dùng trong sản xuất vật liệu xây dựng, hay san lấp mặt bằng. Điển hình như: bê-tông thải; hỗn hợp bê-tông, gạch, ngói, tấm ốp và gốm sứ thải không tái chế được…

 Tình trạng đổ trộm diễn ra hết điểm này đến điểm khác trên cùng tuyến đường Lê Sao.

Tình trạng đổ trộm diễn ra hết điểm này đến điểm khác trên cùng tuyến đường Lê Sao.

Nhằm bảo đảm công tác quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển chất thải xây dựng, Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: “Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý phải có thiết bị định vị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoạt động theo tuyến đường và thời gian quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”. Thêm vào đó, hai bên thành của phương tiện phải có dòng chữ “VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI” với chiều cao ít nhất là 15cm, kèm theo tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại liên hệ.

Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, chủ nguồn thải phải sử dụng biên bản bàn giao khi chuyển giao nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý. Theo đó, chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường không được phép ký hợp đồng thu gom và vận chuyển với chủ nguồn thải khi chưa có hợp đồng với một đơn vị xử lý cuối cùng hợp pháp.

 Chất thải xây dựng kèm rác trong một khuôn viên có biển báo nghiêm cấm tập kết ngay phía trước cổng tại đường Lê Hiến Mai (phường Hòa Khánh).

Chất thải xây dựng kèm rác trong một khuôn viên có biển báo nghiêm cấm tập kết ngay phía trước cổng tại đường Lê Hiến Mai (phường Hòa Khánh).

Quy định này tạo ra một vòng kiểm soát từ nguồn thải đến khâu xử lý cuối cùng, thông qua trách nhiệm của đơn vị vận chuyển, bảo đảm rằng chất thải xây dựng cần xử lý đều có “đầu ra” hợp pháp và bảo vệ môi trường.

Với hệ thống pháp luật như trên, đáng lẽ các hành vi vi phạm sẽ khó “lọt lưới” nếu thực thi đầy đủ các nội dung của Luật Bảo vệ môi trường 2020; song, tình trạng đổ trộm chất thải xây dựng tại Đà Nẵng hiện nay lại đang cho thấy điều ngược lại.

Chất thải xây dựng kèm rác đổ trộm dọc tuyến đường Phước Lý 17 (phường Hòa Khánh).

"Trăm dâu đổ đầu... phường!"

Theo ông Đàm Hoàng Vương - chuyên viên Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị phường Hòa Khánh, việc xử lý chất thải xây dựng từ các công trình nhà ở riêng lẻ hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo đó, nhiều chủ nhà và nhà thầu xây dựng thường xử lý chất thải xây dựng bằng cách thuê các cá nhân hoặc đơn vị vận chuyển không đáp ứng các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020, thường là các loại xe tải dưới 3 tấn, không có thiết bị định vị và dòng chữ “VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI” theo quy định, với giá vài trăm nghìn. “Đây là những trường hợp mà chính quyền địa phương trước đây xử phạt rất nhiều”, ông Vương nói.

 Chất thải xây dựng kèm rác đổ tràn trên đường và bờ kênh cạnh trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn.

Chất thải xây dựng kèm rác đổ tràn trên đường và bờ kênh cạnh trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn.

Qua quan sát và khảo sát thực tế, nguyên nhân hạn chế trên bắt nguồn từ nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu do lượng chất thải phát sinh không thường xuyên, chi phí rẻ hơn và nhận thức pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân về quy trình xử lý chất thải rắn xây dựng theo quy định còn chưa đầy đủ.

Trong khi đó, biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường hiện nay mới chỉ yêu cầu sự xác nhận giữa bên giao (chủ nguồn thải) và bên nhận (chủ thu gom, vận chuyển hoặc chủ xử lý). Điều này cũng gián tiếp gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển chất thải xây dựng.

 Chất thải xây dựng kèm rác đổ trộm trên tuyến đường Lê Văn Miến.

Chất thải xây dựng kèm rác đổ trộm trên tuyến đường Lê Văn Miến.

Ghi nhận thực tế hiện nay, các bãi đổ trộm chất thải xây dựng phần lớn tập trung ở những khu đất trống, đường vắng vẻ. Đây là những địa điểm “đắc địa” đối với các đối tượng có ý định đổ trộm, như khu vực xã Hòa Liên trước đây (nay một phần diện tích, dân số sáp nhập thành phường Hải Vân; phần còn lại sáp nhập thành phường Liên Chiểu).

Trao đổi với phóng viên trước thời điểm sáp nhập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Liên (cũ) Lê Đức Thương (nay là Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân xã Bà Nà) cho biết, với hàng chục dự án xây dựng đang thi công, lưu lượng xe công trình dày đặc, kèm theo nhiều khu đất trống, vắng vẻ, bỏ hoang rải rác trên địa bàn (nhất là tại các khu vực giáp ranh giữa các địa phương), công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý hành vi đổ trộm chất thải xây dựng của xã gặp nhiều trở ngại.

 Chất thải xây dựng kèm rác trên tuyến đường Xuân Thiều 21 (phường Hải Vân).

Chất thải xây dựng kèm rác trên tuyến đường Xuân Thiều 21 (phường Hải Vân).

“Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhưng, nếu có sự phối hợp đồng bộ và ý thức trách nhiệm cao từ phía chủ đất, chủ dự án, có rào chắn, quây tôn hoặc có biện pháp bảo vệ rõ ràng, thì công tác quản lý sẽ hiệu quả hơn nhiều”, ông Thương nói.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hải Vân Nguyễn Thúc Dũng cho biết, trong bối cảnh địa bàn quản lý rộng, lực lượng mỏng và khối lượng công việc lớn, việc trang bị đầy đủ hệ thống camera an ninh trở thành một trong những giải pháp căn cơ. Theo đó, những nơi chưa có camera, công tác giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là đổ trộm chất thải, của địa phương đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

 Chất thải xây dựng đổ trộm tại đoạn nối đường Nguyễn An Ninh (phường Liên Chiểu).

Chất thải xây dựng đổ trộm tại đoạn nối đường Nguyễn An Ninh (phường Liên Chiểu).

“Để tăng cường quản lý trước tình trạng đổ trộm chất thải xây dựng hiện nay, lãnh đạo địa phương đã phân công cụ thể trách nhiệm cho từng đơn vị. Trong đó, phân công lực lượng quy tắc và các lực lượng khác quản lý tại từng khu vực, vận động người dân chủ động tố giác khi phát hiện hành vi vi phạm”, ông Dũng nói.

Lỗ hổng từ quy hoạch

Theo Báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng (cũ), tính đến đầu năm 2025, trên địa bàn thành phố chưa có bãi chính thống về thu gom chất thải rắn xây dựng, phần lớn các bãi đều tự phát và được cấp phép tạm để phục vụ mục đích trữ lại và bán san lấp.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Liên Chiểu Nguyễn Văn Lý, thời gian gần đây, tình trạng đổ trộm rác thải diễn ra trên địa bàn phường Liên Chiểu có xu hướng gia tăng. Một mặt là do những hạn chế về nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật từ phía người dân. Mặt khác, công tác thu gom, xử lý rác thải và hoạt động kiểm tra, giám sát có những hạn chế nhất định tại các khu vực giáp ranh của hai địa phương cũ là Hòa Khánh Bắc và xã Hòa Liên. Song, thách thức lớn nhất vẫn là việc thiếu vắng nghiêm trọng bãi tập kết chất thải rắn xây dựng chính thống trên địa bàn.

 Phường Liên Chiểu triển khai công tác dọn dẹp chất thải xây dựng đổ trộm, sau phản ánh của bài “Đà Nẵng: “Rác tặc” đổ trộm gây ô nhiễm môi trường” đăng trên Báo Nhân Dân điện tử ngày 14/7.

Phường Liên Chiểu triển khai công tác dọn dẹp chất thải xây dựng đổ trộm, sau phản ánh của bài “Đà Nẵng: “Rác tặc” đổ trộm gây ô nhiễm môi trường” đăng trên Báo Nhân Dân điện tử ngày 14/7.

Trưởng Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị phường Hòa Khánh Hồ Sỹ Khánh cho biết, trước đây, quận Liên Chiểu (cũ) từng đề xuất một số điểm tập kết chất thải rắn xây dựng. Tuy nhiên, sau nhiều năm, thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) vẫn chưa thống nhất về vị trí, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc quy hoạch các điểm tập kết chất thải rắn xây dựng chính thống. “Đây là việc cần thiết để đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải xây dựng của người dân. Nếu không có quy hoạch bài bản sẽ phát sinh ra đổ trộm”, ông Khánh cho hay.

Thực trạng nêu trên không chỉ phản ánh hiện trạng xử lý và tái chế chất thải rắn xây dựng đang là một vấn đề khá cấp bách trên địa bàn thành phố, mà còn bộc lộ những lỗ hổng trong công tác quản lý chất thải rắn xây dựng, tạo “kẽ hở” cho các đối tượng có ý định đổ trộm chất thải xây dựng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm.

Ngày 14/7, sau khi Báo Nhân Dân điện tử đăng bài “Đà Nẵng: “Rác tặc” đổ trộm gây ô nhiễm môi trường”, ngay buổi chiều cùng ngày, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có công văn số 91-CV/TU gửi Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân phường Liên Chiểu kiểm tra xử lý thông tin.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng, từ ngày 15-17/7, Ủy ban nhân dân phường Liên Chiểu đã có các báo cáo kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh qua bài “Đà Nẵng: đăng trên Báo Nhân Dân điện tử; đồng thời, chỉ đạo Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị phối hợp Công an phường, Trung tâm cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, khu dân cư và các đơn vị liên quan khẩn trương dọn dẹp các vị trí đổ trộm rác thải và triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn tái diễn tình trạng đổ trộm rác thải.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, kỳ vọng tình trạng đổ trộm chất thải xây dựng sẽ sớm được giải quyết một cách hiệu quả, trả lại không gian sống trong lành, môi trường xanh, sạch, đẹp và bền vững hơn cho đô thị.

CÔNG VINH - ĐÌNH TĂNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/da-nang-can-som-co-giai-phap-dai-han-ngan-chan-nan-do-trom-chat-thai-xay-dung-post895099.html