Quy định thẩm quyền lập nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, phục hồi di tích

Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi có di tích, hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 208/2025/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khảo cổ; quy hoạch dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ nằm trong, nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thế giới; dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2025.

Trong đó, đối với quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, Nghị định quy định cụ thể thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là: Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi có di tích, hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích, có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (quy hoạch di tích).

Trường hợp di tích thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh, hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương, phân bố trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên; căn cứ vào việc phân bố di tích có giá trị quan trọng, tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất quyết định giao UBND cấp tỉnh, hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chủ trì chịu trách nhiệm lập nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích, sau khi có ý kiến đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương có di tích.

Về thẩm quyền thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch di tích, Nghị định quy định đối với di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích.

Đối với cụm di tích quốc gia hoặc cụm di tích quốc gia với di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với bộ, ngành liên quan thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích.

Về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch di tích, Nghị định quy định: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích không thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thỏa thuận nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích tại địa phương.

Trường hợp di tích phân bố trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên theo quy định ở trên, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chủ trì phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến thỏa thuận của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích.

Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương được giao trực tiếp quản lý di tích phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch cụm di tích quốc gia hoặc cụm di tích quốc gia với di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến thỏa thuận của Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi có di tích.

Hồ sơ quy hoạch di tích sau khi phê duyệt phải được cơ quan thẩm định quy hoạch kiểm tra, đóng dấu xác nhận trước khi công bố theo quy định.

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quy-dinh-tham-quyen-lap-nhiem-vu-lap-quy-hoach-bao-quan-phuc-hoi-di-tich.htm