Đà Nẵng - Cánh cửa mới mở ra triển vọng phát triển
Từ ngày 1/1/2025, Đà Nẵng chính thức thực hiện Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng được Quốc hội thông qua vào ngày 26/6. Đây được xem là cơ sở vững chắc để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế, xã hội của địa phương này.
Những lợi thế mới
Theo các chuyên gia, với những cơ chế, chính sách mới, Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội để bứt phá. Đặc biệt, nhóm chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược được kỳ vọng tạo ra cơ sở để Đà Nẵng trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới.
Theo Nghị quyết trên, Đà Nẵng được trao một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Các ngành, nghề, dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Đà Nẵng như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) gắn với đào tạo; đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, có quy mô vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên.
Cùng với đó là các dự án trong các lĩnh vực công nghệ chip bán dẫn, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, có quy mô vốn đầu tư từ 4.000 tỷ đồng trở lên.
Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt: khu thương mại - dịch vụ, quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; khu hậu cần cảng - logistics gắn với Cảng biển Liên Chiểu, quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; khu sản xuất, quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên. Đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa, quy mô vốn đầu tư từ 8.000 tỷ đồng trở lên. Đầu tư xây dựng dự án tổng thể bến Cảng biển Liên Chiểu, quy mô vốn đầu tư từ 45.000 tỷ đồng trở lên.
Trong đó, nhà đầu tư chiến lược được hưởng nhiều ưu đãi vượt trội như: được tính vào chi phí, được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) thực tế được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán.
Cùng với đó, được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư do nhà đầu tư chiến lược thực hiện tại Đà Nẵng khi đáp ứng các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của pháp luật về hải quan và thuế, trừ điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.
Nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ AI, công nghệ chip bán dẫn, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển gắn với đào tạo được lựa chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Đồng thời, việc xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
Chuẩn bị điều kiện cần để đón nhà đầu tư
Các chuyên gia cũng cho rằng, những chính sách, cơ chế đặc thù là rất phù hợp với quá trình phát triển Đà Nẵng trong giai đoạn mới. Đây là tiền đề quan trọng đưa thành phố bứt phá để phát triển tương xứng với vị thế và tiềm năng sẵn có.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung mọi nguồn lực, thiết lập hành lang bảo vệ cùng các chính sách đặc thù, cơ chế linh hoạt tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết nói trên sẽ tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tìm hiểu và đầu tư tại địa phương. Qua đó, phấn đấu để Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế, xã hội của cả nước và khu vực...
Đây cũng là tiền đề để Đà Nẵng thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần tạo đà phát triển du lịch và tăng sức hút cho thị trường việc làm, bất động sản, giúp địa phương tăng tốc phát triển kinh tế.
Còn bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, để chuẩn bị đón các nhà đầu tư mới đến với Đà Nẵng, đầu tiên, thành phố sẽ chuẩn bị hồ sơ để trình xin Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Khu thương mại tự do; thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, thủ tục về thu hồi đất. Trên cơ sở đó, Đà Nẵng triển khai, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược để đầu tư vào các khu chức năng của Khu thương mại tự do và thu hút đầu tư về thương mại dịch vụ chất lượng cao.
Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Đà Nẵng, để Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn, Đà Nẵng đã giao cho các sở, ban, ngành khẩn trương rà soát, xúc tiến các thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan và chuẩn bị mọi nguồn lực để triển khai kêu gọi đầu tư. Đà Nẵng đang tích cực chuẩn bị quỹ đất, nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực.
Có thể nói, Nghị quyết với cơ chế, chính sách rộng mở ban hành kịp thời được xem là công cụ pháp lý quan trọng để Đà Nẵng vừa tạo ra nguồn lực phát triển, vừa thu hút được nguồn lực từ bên ngoài. Với khát vọng cùng quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Đà Nẵng, sự chủ động vào cuộc của các sở, ban, ngành, người dân hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, trong giai đoạn 5 năm thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù mới, Đà Nẵng sẽ chiếm vị thế quan trọng trên bản đồ thu hút đầu tư của cả nước…
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/da-nang-canh-cua-moi-mo-ra-trien-vong-phat-trien-153714.html