Đà Nẵng cho dân vay để trả nợ tiền đất tái định cư

Một vấn đề bức xúc ảnh hưởng tới hàng ngàn hộ dân nợ tiền đất tái định cư (TĐC), chuyển nhượng phiếu đất TĐC trong quá trình thực hiện giải tỏa đền bù ở Đà Nẵng, đó là vướng mắc trong thực hiện Nghị định 79 của Chính phủ đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường HĐND TP hôm 7-7.

Một vấn đề bức xúc ảnh hưởng tới hàng ngàn hộ dân nợ tiền đất tái định cư (TĐC), chuyển nhượng phiếu đất TĐC trong quá trình thực hiện giải tỏa đền bù ở Đà Nẵng, đó là vướng mắc trong thực hiện Nghị định 79 của Chính phủ đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường HĐND TP hôm 7-7.

ĐB Tuấn Lợi chất vấn liên quan tới việc thi hành phán quyết của tòa án liên quan tới sai phạm đất đai ở Đà Nẵng.

ĐB Tuấn Lợi chất vấn liên quan tới việc thi hành phán quyết của tòa án liên quan tới sai phạm đất đai ở Đà Nẵng.

Cho vay “gỡ vướng”

Trong một giai đoạn dài thực hiện xây dựng, kiến thiết đô thị Đà Nẵng, vấn đề giải tỏa đền bù của TP trở thành điển hình cả nước, có sự đồng thuận lớn của người dân. Có kết quả đó, một phần do Đà Nẵng có cách làm sáng tạo như cho người dân được nợ tiền đất TĐC để sớm ổn định cuộc sống sau giải tỏa, cho chuyển nhượng đối tượng nhận TĐC (chuyển nhượng phiếu đất)... Tuy nhiên hiện nay, theo NĐ 79, đối tượng được nợ tiền đất TĐC rất hạn hẹp và không được chuyển nhượng phiếu đất. Từ đây, nhiều vấn đề vướng mắc phát sinh.

ĐB Lê Xuân Hòa cho biết, có 3 nhóm đối tượng được ghi nợ theo chủ trương của TP trước ngày NĐ 79 có hiệu lực thi hành. Cụ thể gồm đối tượng không thuộc được ghi nợ theo NĐ 79 nhưng đã được phê duyệt ghi nợ trước ngày NĐ 79 có hiệu lực thi hành, tới nay chưa làm thủ tục ghi nợ; các trường hợp được giải tỏa trước ngày NĐ 79 có hiệu lực, căn cứ vào tổng số tiền được bồi thường thì thuộc đối tượng được ghi nợ theo chủ trương của TP, vì nhiều lý do khác nhau, các hộ này chưa được ghi nợ; các hộ đã được làm thủ tục ghi nợ song hồ sơ sổ sách không tuân theo hướng dẫn của TP nên vướng mắc trong quá trình thực hiện. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, cả 3 đối tượng này, TP đều phải đưa vào diện ghi nợ để hoàn thiện hồ sơ, thu nợ theo NĐ 79.

Nếu không hỗ trợ cho người dân nợ đất TĐC sẽ rất khó khăn trong giải tỏa.

Nếu không hỗ trợ cho người dân nợ đất TĐC sẽ rất khó khăn trong giải tỏa.

Cũng theo ĐB Hòa, một vướng mắc khác khi thực hiện NĐ 79 liên quan tới kỹ thuật, như chênh lệch diện tích theo hợp đồng được ghi nợ và thực tế, hồ sơ không khớp quy hoạch, hồ sơ sai tên dự án, sai tên người, không đóng dấu, chưa đo đạc để tách thửa... Do quá trình giải tỏa diễn ra trong quá trình dài, với khối lượng hồ sơ lớn, có thể nói là khổng lồ cùng với việc sát nhập các Ban giải tỏa dự án trước đây vì vậy hiện nay việc sao lục hồ sơ, phối hợp giữa các cơ quan rất khó khăn. Do vậy, việc ách tắc dù ở một khâu rất nhỏ cũng sẽ làm chậm quá trình thực hiện nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng trong khi đó việc thu nợ theo NĐ 79 thời gian không còn nhiều, sẽ phải kết thúc vào tháng 3-2021.

Do thời gian phải thực hiện trả nợ tiền đất TĐC ngắn, vướng mắc lại nhiều, số nợ còn lại chủ yếu hộ nghèo... do vậy việc thực hiện NĐ 79 rất vướng. Số liệu của cơ quan thuế cho thấy hiện có 303 hộ với số tiền nợ 37 tỷ đồng đã nhận thông báo thuế nhưng vẫn không có tiền để nộp. Các trường hợ này số tiền thấp khoảng hơn 100 triệu đồng mà không có tiền nộp thì sau này khi quá hạn của NĐ 79, số tiền sẽ tăng lên tới 1-2 tỷ đồng, chắc chắn sẽ không có tiền để nộp.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên cho biết, đã quá nửa thời gian thực hiện NĐ 79 nhưng số lượng người dân nộp tiền vẫn hạn chế. Bởi lẽ, đa số người dân nợ tiền đất TĐC là người nghèo. Vì thế, TP có đề xuất ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để người dân còn nợ tiền đất TĐC được vay, trả nợ đúng hạn, với mức lãi suất ưu đãi là 4,8%/năm. Mặt khác, hiện nay theo quy định của NĐ 79, người dân khi thực hiện giải tỏa sẽ không được nợ tiền đất TĐC. Nhiều hộ nếu phải trả tiền đất TĐC sẽ hết số tiền đền bù, không còn tiền xây nhà mới, như vậy sau giải tỏa sẽ không có nhà ở. Nếu thực hiện như vậy sẽ rất khó vận động người dân thực hiện giải tỏa, bàn giao mặt bằng. Ông Miên nói, trước mắt trong năm 2020, TP sẽ ủy thác cho Ngân hàng CSXH 50 tỷ đồng để cho các hộ dân giải tỏa mới được vay nộp tiền đất TĐC cũng với mức lãi suất 4,8%/năm. Vấn đề còn lại, TP sẽ xem xét làm sao để đúng đối tượng, thực sự là người nghèo, không đủ điều kiện TĐC.

Sân vận động Chi Lăng “treo” nhiều năm nay.

Sân vận động Chi Lăng “treo” nhiều năm nay.

Không hồi tố, không mua bán phiếu đất

Một thực tế đặt ra, nhiều người trả nợ tiền đất TĐC trước khi NĐ 79 có hiệu lực cao hơn rất nhiều so với hiện nay. Vô tình, những người có trách nhiệm, đi vay mượn trả trước lại chịu bất công. ĐB Hòa nói, theo quy định của NĐ 79 không cho phép hồi tố các trường hợp này, nhưng đây là một thực tế phát sinh tạo sự không công bằng cho các hộ trong thực hiện chủ trương giải tỏa đền bù, do vậy TP sớm có kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số điểm chưa phù hợp với thực tế của NĐ 79.

Trước đây để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân giải tỏa, TP cho phép chuyển nhượng tên người nhận đất TĐC (mua bán phiếu đất) thông qua xác nhận của xã phường. Sau khi Luật Đất đai có hiệu lực, năm 2014 TP chấm dứt việc thực hiện chủ trương này. Tuy vậy, nhiều trường hợp trước khi thực hiện chủ trương này hồ sơ không làm được thủ tục chuyển nhượng vì người chuyển nhượng không hợp tác, đang định cư ở nước ngoài, không tìm ra địa chỉ hoặc đã chết chưa xác định được người đại diện của bên chuyển nhượng. Với vấn đề này, gần đây TP có văn bản chỉ đạo các trường hợp này phải thực hiện lại theo quy định của pháp luật. Trừ trường hợp bất khả kháng, UBND các quận huyện chịu trách nhiệm thẩm tra, xác minh đề xuất xử lý cụ thể gửi Sở Tài nguyên -Môi trường trình UBND TP xem xét quyết định.

ĐB Hòa cho rằng, việc chuyển tên người nhận đất TĐC là không phù hợp quy định pháp luật về mặt hình thức nhưng về mặt bản chất đây là sự thỏa thuận tự nguyện của các chủ thể và được thực hiện trong một thời gian dài trên địa bàn TP. Thực tế hiện nay nếu yêu cầu người dân thực hiện lại thủ tục theo yêu cầu pháp luật sẽ có những trường hợp không bao giờ làm được vì người chuyển nhượng không hợp tác. Bên cạnh đó, theo tinh thần chuyển nhượng như trên, thì hiện nay TP vẫn đang giải quyết với từng trường hợp cụ thể. Vì vậy ĐB Hòa đề nghị TP nghiên cứu mở rộng đối tượng áp dụng cho phép tất cả các trường hợp đã nhận chuyển nhượng thuộc diện được nợ đất TĐC thì tiếp tục được thực hiện việc chuyển nhượng để góp phần tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện NĐ 79.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung cho biết, số tiền người dân tự nguyện nộp trả nợ đất TĐC trước và sau NĐ 79 chênh lệch rất lớn, có ý kiến cho hồi tố. Tuy nhiên, về đối tượng cụ thể cần rà soát, thống kê, phân loại cho đúng. Tương tự, ông Trung cũng cho rằng phải hết sức cân nhắc với đề nghị tiếp tục cho các đối tượng bất khả kháng, còn vướng mắc chưa thể thực hiện hoàn thiện việc chuyển nhượng phiếu đất TĐC.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_227575_da-nang-cho-dan-vay-de-tra-no-tien-dat-tai-dinh-cu.aspx