Đà Nẵng: Cho rằng quy định hiện hành không phù hợp, chủ du thuyền 'triệu đô' kiến nghị điều chỉnh
Tại cuộc gặp mặt đón xuân mới Giáp Thìn 2024 của Sở Du lịch Đà Nẵng ngày 12/1, chủ đầu tư du thuyền 5 sao Poseidon Cruise cho biết hiện đang gặp nhiều khó khăn do quy định bắt buộc du khách khi ở trên du thuyền phải mặc áo phao, hạn chế đi lại và không được phép biểu diễn văn hóa, nghệ thuật trong suốt hành trình di chuyển trên sông biển.
Gặp khó với qui định không được biểu diễn nghệ thuật khi tàu di chuyển
Ngày 27/11/2023, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản số 6552/UBND-KT chỉ đạo rà soát, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động du lịch đường thủy trên địa bàn. Đặc biệt là giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp rà soát, đề xuất điều chỉnh các hạng mục hoạt động, dịch vụ của các bến tàu du lịch bảo đảm hiệu quả, phù hợp tình hình khai thác thực tế.
Trên tinh thần đó, tại văn bản số 081/CV ngày 8/1/2024 gửi Sở GTVT Đà Nẵng, ông Lê Thanh Sơn – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty AION cho biết, du thuyền 5 sao Poseidon Cruise được đầu tư đóng mới hiện đại với tổng vốn 36 tỷ đồng (khoảng 1,5 triệu USD); đã được cấp giấy phép hoạt động du thuyền nhà hàng phục vụ phát triển du lịch sông - biển Đà Nẵng, đáp ứng các công năng khai thác du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) trên sông biển Đà Nẵng theo tiêu chuẩn cao cấp sang trọng, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Du thuyền này có thiết kế không gian sân khấu riêng biệt phục vụ biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại 2 tầng boong, không che khuất hoặc ảnh hưởng tầm nhìn của lái tàu và thuyền trưởng; đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiệm thu thiết kế, cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, hiện hoạt động của Poseidon Cruise đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại do quy định của TP Đà Nẵng (tại Quyết định số 3359/QĐ-UBND ngày 31/7/2019 ban hành quy trình kiểm soát hoạt động vận chuyển khách du lịch tại cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn TP Đà Nẵng) bắt buộc du khách khi ở trên du thuyền phải mặc áo phao, hạn chế đi lại và không được phép biểu diễn văn hóa, nghệ thuật trên tàu trong suốt hành trình tàu di chuyển trên sông biển.
Theo ông, hiện các địa phương phát triển mạnh du lịch đường thủy như Huế, Nha Trang, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Quốc... áp dụng quy định về trang bị áo phao cứu sinh an toàn tàu biển theo Tiểu mục 2.2.1, Mục II Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 42:2015/BGTVT; cho phép biểu diễn văn hóa nghệ thuật, dạ tiệc khiêu vũ sôi động trên các tàu du lịch, tàu nhà hàng, tàu ngủ đêm mà không bắt buộc du khách mặc áo phao trong suốt hành trình.
Tuy nhiên, thực hiện qui định của UBND TP Đà Nẵng, dù là tàu khách hay tàu nhà hàng, tàu mới hiện đại hay tàu cũ cũng đều bắt buộc du khách phải mặc áo phao trong suốt hành trình, ngồi yên tại chỗ và hạn chế đi lại trên tàu; chỉ được biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại bến trước giờ tàu khởi hành.
Nếu quản lý vận hành theo quy định hiện hành (như du khách mặc áo phao suốt hành trình) sẽ không phù hợp và rất khó khăn cho chủ đầu tư kinh doanh các loại du thuyền có công năng đặc thù này.
Kiến nghị quản lý phù hợp với từng loại tàu thuyền
Theo chủ đầu tư du thuyền Poseidon Cruise, cách quản lý này khiến doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư tàu thuyền lớn, hiện đại gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm dịch vụ trên tàu; doanh nghiệp mới thì ngần ngại đầu tư do còn quan sát, nghe ngóng cơ chế quản lý đặc thù, hoặc khuyến khích đầu tư của TP Đà Nẵng.
Trong khi đó, đội tàu du lịch cũ thì đang hoạt động đơn điệu, thiếu đầu tư đổi mới, sáng tạo và chủ yếu hoạt động về đêm trên sông Hàn mà chưa khai thác hết tiềm năng ban ngày, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái biển và hoạt động thể thao trên biển. Hệ lụy là Đà Nẵng rất khó phát triển đội tàu du lịch cao cấp, hạng sang, hiện đại, an toàn và khác biệt.
Cùng với đó, du khách sẽ nhàm chán vì không có các hoạt động vui chơi, giải trí đa dạng trên các tàu du lịch, du thuyền nhà hàng, tàu ngủ đêm; thiếu hoạt động vui chơi giải trí, thể thao khám phá biển sôi động, hấp dẫn. Dẫn đến nguy cơ khách dần quay lưng với Đà Nẵng để đến các nơi khác có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí đa dạng, hấp dẫn và thoải mái hơn nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Hơn thế nữa, tình hình này sẽ khiến du lịch Đà Nẵng kém tính cạnh tranh sáng tạo so với các nước lân cận như Thái Lan, Philippines; làm ảnh hưởng kế hoạch phát triển chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị của TP; ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển kinh tế đêm, dự án “Dòng sông ánh sáng”...
Do vậy, ông Lê Thanh Sơn kiến nghị UBND TP Đà Nẵng, Sở GTVT nghiên cứu điều chỉnh Quyết định 3359/QĐ-UBND ngày 31/7/2019 của UBND TP Đà Nẵng; sớm xây dựng bộ tiêu chí phân cấp, phân loại, xếp hạng để có quy định quản lý, ứng xử phù hợp với từng loại tàu thuyền. Trước mắt, ông đề xuất TP Đà Nẵng phân loại 2 khu vực theo công năng sử dụng là tàu vận chuyển khách và tàu nhà hàng, tàu ngủ đêm.
Theo đó, với những du thuyền đã đầu tư đáp ứng, vượt yêu cầu quy chuẩn quốc gia, quốc tế về hệ số an toàn kỹ thuật cao, chống rủi ro, bảo đảm chất lượng và bảo vệ môi trường thì được thực hiện đúng yêu cầu về cách thức sử dụng phao áo cứu sinh trên tàu biển, quy định tại Tiểu mục 2.2.1 Mục II Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 42:2015/BGTVT: “Áo phao cứu sinh được bố trí tại các khu vực dễ thấy, dễ lấy và vị trí cất giữ chúng phải được hiển thị rõ ràng”.
Nghĩa là các tàu thuyền này được phép cho du khách không mặc áo phao trong suốt hành trình chạy tàu trên sông Hàn và vịnh biển Đà Nẵng. Qua đó giúp du khách cảm nhận sự thoải mái, thư giãn trong không gian sông biển Đà Nẵng, phù hợp hơn với không khí, không gian hội nghị, hội họp, ăn uống và dạ tiệc.
Lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, tuy du lịch đường thủy và sản phẩm du lịch vui chơi giải trí dưới nước của TP bước đầu phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Năm 2024, Sở có kế hoạch xúc tiến mở tuyến vận tải thủy Đà Nẵng - Cù Lao Chàm; phát triển các tuyến cảng Sông Hàn - cầu Trần Thị Lý; cảng Sông Hàn - Hòn Chảo, Vịnh Đà Nẵng; tuyến Sông Hàn - Ngũ Hành Sơn; kết nối tuyến bến thủy nội địa CT15 đi Hòn Sụp - Bãi Nam - Bãi Đa - biển Mỹ Khê hình thành tour ngắm biển đêm.
Đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư cầu tàu (cảng Sông Hàn, cảng Sông Thu...) và tại các vị trí bến trên tuyến thủy nội địa theo phân kỳ sau khi có phê duyệt quy hoạch chuyên ngành giao thông đô thị TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; kêu gọi thu hút nhà đầu tư khai thác du lịch đường thủy nội địa trên tuyến cảng Sông Hàn - bến K20 - cửa biển – cảng Sông Hàn.
Để tạo thuận lợi cho việc hiện thực hóa kế hoạch nêu trên, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đồng thuận với kiến nghị của Công ty du lịch AION đề nghị Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất UBND TP Đà Nẵng xem xét điều chỉnh quy định tại Quyết định 3359/QĐ-UBND ngày 31/7/2019 của UBND TP.
Theo đó, Sở Du lịch Đà Nẵng đề nghị cho phép các tàu du lịch có đủ điều kiện hoạt động kinh doanh theo quy định được tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên tàu trong hành trình tàu đưa khách tham quan, nhằm tăng thêm trải nghiệm cho du khách và góp phần thu hút khách.
Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Bùi Hồng Trung cho biết đã có một số buổi làm việc với Chi hội Vận tải du lịch đường thủy Đà Nẵng và các doanh nghiệp hội viên để lắng nghe ý kiến phản ánh về các vướng mắc, trở ngại cần được tháo gỡ. Trên cơ sở đó, Sở GTVT Đà Nẵng đã đề nghị Chi hội Vận tải du lịch đường thủy căn cứ tình hình thực tế, dự thảo văn bản điều chỉnh Quyết định 3359/QĐ-UBND để các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng xem xét, quyết định.