Đà Nẵng có 2 hiện vật Chăm được công nhận bảo vật quốc gia
Hai hiện vật Chăm là Tượng thần Ganesha và tượng Gajasimha (Voi - Sư tử) đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Ngày 3/1, thông tin từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2283/QĐ-TTg về việc công nhận Bảo vật Quốc gia (đợt 9), trong đó có hai hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Đây là các hiện vật độc bản, có hình thức độc đáo và giá trị đặc biệt tiêu biểu cho nền nghệ thuật tôn giáo của Champa qua các thời đại.
Theo đó, 2 tượng Chăm của Đà Nẵng vừa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận bảo vật quốc gia gồm: Tượng thần Ganesha và tượng Gajasimha (Voi - Sư tử). Cả hai tượng hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Đây là các hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo và giá trị đặc biệt tiêu biểu cho nền nghệ thuật tôn giáo của Champa qua các thời đại.
Trong đó, hiện vật tượng Thần Ganesha được làm bằng chất liệu sa thạch, được phát hiện vào năm 1903 bởi Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO), tượng có kích thước cao 95cm, dài 48cm, rộng 34cm. Tượng được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại Bảo tàng Chăm từ năm 1918. Theo thần thoại Ấn Độ, Ganesha là vị thần may mắn, trí tuệ và văn học, có khả năng dẹp bỏ những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.
Hiện vật tượng Gajasimha (Voi - Sư tử), chất liệu sa thạch, được tìm thấy trong cuộc khai quật tại Tháp Mẫm (Bình Định) năm 1933-1934 do EFEO thực hiện, có kích thước cao 215cm, dài 100cm, rộng 84cm. Tượng được đưa về Bảo tàng Chăm từ năm 1935. Theo thần thoại Ấn Độ, Gajasimha là con vật tượng trưng cho sự chiến thắng, uy quyền của một vị vua; thường được đặt trước cổng đền tháp như là vị thần bảo hộ sự tôn nghiêm cho công trình.
Với 2 hiện vật vừa được công nhận, hiện Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có 6 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. 4 hiện vật còn lại gồm: Tượng Bồ tát Tara, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu (cùng công nhận năm 2012) và Đài thờ Đông Dương (công nhận năm 2018).