Đà Nẵng công bố phương án tổ chức bộ máy và bố trí nhân sự phường, xã mới
UBND TP Đà Nẵng dự kiến sắp xếp từ 1.077 đến 1.208 biên chế công chức cho UBND cấp phường, xã mới
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa ký ban hành Công văn về việc sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp quận, huyện, phường, xã.
Theo đó, UBND cấp xã mới sẽ được tổ chức tối đa 4 phòng chuyên môn và tương đương gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường) hoặc Phòng Kinh tế (đối với xã); Phòng Văn hóa – Xã hội và Trung tâm phục vụ hành chính công.

UBND TP Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát, sắp xếp lại đội ngũ công chức gắn với tinh giản biên chế
Về biên chế công chức, UBND thành phố dự kiến bố trí từ 1.077 đến 1.208 người. Sau khi có quy định cụ thể từ Chính phủ, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát, sắp xếp lại đội ngũ công chức gắn với tinh giản biên chế.
Về nhân sự lãnh đạo, các chức danh Trưởng phòng được bố trí gồm: Trưởng phòng Kinh tế (hoặc Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị) và Trưởng phòng Văn hóa – Xã hội. Riêng Chánh Văn phòng HĐND và UBND, Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công sẽ do Phó Chủ tịch UBND cấp xã mới kiêm nhiệm. Các chức danh Trưởng ban Pháp chế và Trưởng ban Kinh tế - Xã hội cũng là kiêm nhiệm.
Cấp phó bao gồm các chức danh tương ứng như Phó Trưởng phòng, Phó Chánh Văn phòng, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công và các Phó Trưởng ban.
Đối với công chức không giữ chức vụ quản lý, các quận, huyện sẽ rà soát, bố trí lại số lượng công chức đang làm việc tại Thanh tra cấp quận, huyện, chuyển về Thanh tra thành phố. Mỗi phường, xã mới phải có ít nhất một công chức chuyên môn thanh tra để tham mưu công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.
Riêng Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã sẽ được bố trí theo hướng dẫn của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố. Trường hợp không tiếp tục đảm nhiệm chức danh cũ sẽ được phân công công tác phù hợp tại các phòng chuyên môn.
UBND thành phố cũng định hướng việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập cấp xã. Các trường học công lập được giữ nguyên và chuyển về quản lý tại cấp xã. Mỗi phường có 1 trạm y tế và các điểm trạm trực thuộc Trung tâm Y tế khu vực do Sở Y tế quản lý.
Đồng thời, thành phố sẽ thành lập Trung tâm sự nghiệp công – đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã mới để cung cấp các dịch vụ thiết yếu trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, thông tin, môi trường, đô thị… Trên cơ sở này, các trung tâm hiện tại như Đội Quy tắc đô thị, Trung tâm Văn hóa – Thể thao… sẽ được tổ chức lại.
Song song, Ban Quản lý dự án cũng sẽ được thành lập trực thuộc UBND cấp xã, hoạt động tự chủ chi thường xuyên, phụ trách các lĩnh vực xây dựng, giải phóng mặt bằng, quản lý chợ, phát triển quỹ đất, khu danh thắng, làng nghề... Dự kiến sẽ có 969 người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã mới.
Các chức danh lãnh đạo tại đơn vị sự nghiệp gồm: Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm sự nghiệp công; Giám đốc và Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án. UBND các quận, huyện sẽ rà soát, điều chuyển viên chức đang làm công tác giải phóng mặt bằng về làm việc tại các Ban quản lý dự án cấp xã mới.
UBND các quận, huyện được yêu cầu hoàn thiện phương án sắp xếp, điều chuyển cán bộ, công chức tại các đơn vị hành chính cấp xã cũ trước ngày 24-5. Trong đó lưu ý đến việc điều chuyển công chức từ nơi thừa sang nơi thiếu so với biên chế dự kiến tối đa, bảo đảm phân bổ hợp lý, hiệu quả và phù hợp với năng lực, chuyên môn.
Theo dự kiến, TP Đà Nẵng sẽ sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, lấy tên gọi TP Đà Nẵng, đặt trung tâm chính trị - hành chính tại quận Hải Châu của TP Đà Nẵng hiện tại. Sau sáp nhập, thành phố Đà Nẵng mới sẽ có tổng cộng 94 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 23 phường, 70 xã và 1 đặc khu Hoàng Sa