Nhiều địa phương 'lơ là' nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng ra công điện thúc tiến độ
Nhiều địa phương chưa coi trọng nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, dẫn tới tiến độ triển khai còn chậm, tỷ lệ hoàn thành thấp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ký ban hành Công điện số 19/CĐ-BXD ngày 22/5/2025 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển nhà ở xã hội. Nhờ đó, công tác triển khai tại nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước đã hoàn thành 15.614 căn hộ nhà ở xã hội, khởi công 17 dự án với tổng quy mô 17.664 căn hộ...
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ, vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này. Một số nơi chưa có dự án nào được khởi công hoặc có khởi công nhưng tỷ lệ hoàn thành thấp. Nhiều tỉnh, thành chưa thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội, chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư, tín dụng và các chính sách ưu đãi chưa thực sự hiệu quả.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2025 – 2030.

Bộ Xây dựng có công điện đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội nhằm trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án trên địa bàn. Đối với các dự án đăng ký hoàn thành trong năm 2025 hoặc đang triển khai, chính quyền địa phương cần làm việc trực tiếp với chủ đầu tư để rà soát tiến độ, yêu cầu tập trung nguồn lực thi công, hoàn thành trong năm nay. Chủ đầu tư cũng phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tiến độ dự án theo quy định.
Với các dự án đã được lựa chọn nhà đầu tư, địa phương cần chủ động hướng dẫn về thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng và kịp thời tháo gỡ vướng mắc để sớm khởi công trong năm 2025. Đồng thời, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đầu tư nhà ở xã hội trên phần quỹ đất 20% thuộc các dự án nhà ở thương mại theo đúng quy định của Luật Nhà ở năm 2023. Với các khu đất đã có trong quy hoạch để xây dựng nhà ở xã hội, cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai, tránh lãng phí nguồn lực.
Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh yêu cầu rà soát, cập nhật và bổ sung quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo đủ quỹ đất phục vụ phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, các địa phương cần ban hành cơ chế ưu đãi, chính sách hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các khâu như lập, phê duyệt dự án, lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, giải phóng mặt bằng... là yêu cầu bắt buộc để tạo điều kiện triển khai nhanh chóng.
Ngoài ra, các tỉnh, thành cần tiếp tục rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, công bố công khai để các ngân hàng có cơ sở triển khai cho vay.
Báo cáo định kỳ kết quả thực hiện phải gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 25 tháng cuối quý. Bộ sẽ tổ chức kiểm tra, theo dõi, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo từng địa phương.
Quốc hội thông qua luật nhà ở sửa đổi, không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.