Đà Nẵng: Doanh nghiệp vận tải hành khách khốn đốn vì khó khăn kép
Sau quãng thời gian chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải hành khách tại TP. Đà Nẵng lại tiếp tục 'khó thở' vì ít khách, giá xăng dầu tăng cao…
Khó càng thêm khó
Sau quãng thời gian chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh tại Đà Nẵng đều đã kiệt quệ, mong muốn có thể khôi phục hoạt động khi địa phương đang ra sức phục hồi du lịch, thêm nhiều du khách đến với Đà Nẵng di chuyển bằng xe khách. Thế nhưng đã đầu mùa hè, khung cảnh tại Bến xe trung tâm Đà Nẵng lại khá vắng vẻ, khác hẳn không khí các năm trước.
Theo nhiều đại diện các nhà xe, lượng khách vẫn chỉ đạt 30% so với thời điểm trước dịch bệnh. Cùng với những biến động của giá xăng dầu thị trường, khó khăn của doanh nghiệp càng rõ nét hơn.
Bà Ngô Thị Mỹ Lệ, đại diện Công ty Vận tải Phi Hiệp (chuyên tuyến Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam) cho biết, sau Tết Nguyên đán, lượng hành khách vẫn chưa bình ổn khiến doanh nghiệp vẫn phải chịu lỗ để duy trì tuyến. “Nếu như trước đây mỗi chuyến đi tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng tiền xăng dầu thì nay đã lên đến 17 - 18 triệu đồng, cộng thêm các phụ phí khác cũng hơn 20 triệu đồng nhưng không có khách, vậy nên nhà xe càng chạy là càng lỗ, mỗi chuyến lỗ 5-6 triệu là bình thường”, bà Lệ cho biết.
Bà Lê Thị Hiền, đại diện Công ty CP vận tải Lào Tiển (chuyên tuyến Đà Nẵng đi các tỉnh phía Bắc) chia sẻ, nhà xe phải cắt giảm chuyến nhưng không dám bỏ tuyến dù biết chạy là sẽ lỗ vì lượng hành khách từ các tỉnh phía Bắc thời điểm này rất ít dù đã là mùa du lịch. Những ngày qua, có nhiều chuyến vì quá vắng khách nên đành cắt chuyến để dồn khách, dồn chuyến để tiết kiệm thêm chi phí.
“Trong dịp Tết, số lượng khách đã ít thì sau Tết số lượng khách lại càng ít hơn, nếu như các năm trước, hành khách đã đặt các tour du lịch 30/4 - 1/5 từ đầu tháng 3 nhưng giờ đây vẫn chưa có”, bà Hiền thông tin.
Nỗ lực ổn định hoạt động
Mặc dù đang trong tình trạng khó khăn về nguồn lực, nhưng các doanh nghiệp vận tải hành khách tại Đà Nẵng vẫn cố gắng duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Các công ty vận tải hành khách đã kiêm luôn việc vận tải hàng hóa để kiếm thêm doanh thu, đồng thời giảm quy mô hoạt động, tần suất để điều hòa chi phí hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn được các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét kéo dài thời gian giãn, hoãn nộp thuế, bảo hiểm xã hội; giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi vay, giảm chi phí cầu đường… để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải. Một số doanh nghiệp tính đến phương án tăng giá vé. Tuy nhiên, các đại diện doanh nghiệp vận tải hành khách nhìn nhận rằng, điều kiện kinh tế không chỉ của doanh nghiệp mà người dân cũng đang gặp nhiều khó khăn, nếu như tăng giá vé thời điểm này sẽ góp phần gây ra thêm tình trạng khó khăn cho cả hai phía.
Nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp vận tải hành khách, ông Phạm Lợi - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng - cho biết, bến xe đã tiến hành thực hiện những chính sách giảm giá như giảm phí dịch vụ cho các nhà xe, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xe có thể hoạt động trong khu vực bến.
“Không chỉ doanh nghiệp vận tải, Bến xe Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều khó khăn chung, nhân viên Ban quản lý phải hoạt động quá công suất để có thể giúp đỡ các doanh nghiệp vận tải tháo gỡ khó khăn. Ngoài việc giảm phí dịch vụ cho các nhà xe, Bến xe Đà Nẵng cũng đã giảm giá phí thuê mặt bằng cho các tiểu thương kinh doanh thực phẩm, đồ uống phía sảnh chờ của bến”, ông Lợi chia sẻ.
Đức Thảo