Đà Nẵng dự kiến 2 kịch bản nhằm phục hồi du lịch theo mục tiêu kép
Năm 2022, Đà Nẵng thực hiện chủ đề 'Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.'
Chiều 5/1, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai kế hoạch của ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng năm 2022, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết 2021 tiếp tục là năm đầy khó khăn, thách thức đối với kinh tế thành phố và hoạt động du lịch.
Dịch COVID-19 với nhiều biến chủng mới làm sụt giảm mạnh về lượng khách; gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng, nguồn thu ngân sách thành phố.
Tổng số lượt khách du lịch giảm 55,8%, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành giảm 36,6% so với năm 2020.
Thành phố Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành thích ứng linh hoạt, quyết tâm, nỗ lực cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân thành phố kiểm soát, khống chế được cơ bản dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân, song song với khôi phục phát triển kinh tế.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch Trần Phước Sơn chia sẻ những khó khăn của ngành du lịch, của người lao động, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đang gặp phải; biểu dương Sở Du lịch thành phố đã tích cực nỗ lực cùng các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp linh hoạt, đổi mới sáng tạo, từng bước khôi phục hoạt động du lịch thời gian qua.
Phó Chủ tịch Trần Phước Sơn cho rằng, dù đã nỗ lực nhưng ngành du lịch thành phố vẫn còn một số hạn chế, thách thức.
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, mặc dù thành phố được Thủ tướng phê duyệt là một trong 5 địa phương thực hiện thí điểm đón khách quốc tế, nhưng Đà Nẵng chưa đạt mục tiêu đề ra.
Nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp du lịch cạn kiệt, nhân lực du lịch có nguy cơ thiếu hụt; chưa có cơ chế đặc thù khuyến khích đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, khả năng cạnh tranh điểm đến vẫn cần được cải thiện.
Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch tuy đã được đầu tư tương đối đồng bộ, song vẫn chưa hoàn thiện, vẫn còn thiếu sự đầu tư để Đà Nẵng là điểm đến của nhiều sự kiện, lễ hội quốc tế hơn nữa…
Năm 2022, Đà Nẵng thực hiện chủ đề "Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.”
Phó Chủ tịch Trần Phước Sơn đề nghị toàn ngành du lịch tập trung triển khai các nhiệm vụ khôi phục hoạt động theo phương châm "chủ động-thích ứng-linh hoạt," bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và hiệu quả kinh doanh; chú trọng khai thác thị trường khách nội địa, tổ chức các chương trình kích cầu du lịch; tích cực tìm kiếm các nguồn khách để triển khai có hiệu quả phương án thí điểm đón, phục vụ khách du lịch quốc tế.
Sở Du lịch thành phố cần theo dõi chặt chẽ kết quả đón khách quốc tế thí điểm để kịp thời tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố về định hướng, giải pháp phù hợp với tình hình mới; tập trung công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch điểm đến Đà Nẵng, ưu tiên xúc tiến mở lại các đường bay quốc tế trực tiếp tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và một số thị trường mới, xúc tiến khai thác loại hình du lịch MICE, du lịch golf, du lịch ẩm thực…
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống, kiểm soát đại dịch, vừa đẩy mạnh khôi phục tăng trưởng kinh tế, ngành du lịch Đà Nẵng dự kiến 2 kịch bản.
Kịch bản 1 là phấn đấu tổng lượng khách lưu trú dự kiến đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 3 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,3 lần so với năm 2020); trong đó khách quốc tế ước đạt 180.000 lượt, tăng 1,6 lần và khách nội địa ước đạt hơn 3,32 triệu lượt, tăng 3 lần.
Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt trên 6,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,7 lần so với năm 2020).
Kịch bản 2 là lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt khoảng 2,1 triệu lượt khách, tăng 87,8% so với năm 2021; khách quốc tế ước đạt 100.000 lượt (tương đương năm 2021) và khách nội địa ước đạt 2 triệu lượt, tăng 2 lần so với năm 2021.
Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 4 nghìn tỷ đồng, tăng 2 lần so với ước thực hiện năm 2021.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành du lịch Đà Nẵng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung triển khai thực hiện phương án phòng, chống dịch COVID-19, quy trình đón, phục vụ khách (có lồng ghép biện pháp phòng, chống dịch); quy trình xử lý sự cố y tế tại cơ sở kinh doanh du lịch; tập trung khôi phục hoạt động du lịch theo phương châm “chủ động-thích ứng-linh hoạt,” hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch.
Ngành sẽ triển khai quy hoạch, đề án, định hướng phát triển du lịch; thực hiện một số nội dung thí điểm và chuẩn bị sản phẩm du lịch mới để khôi phục du lịch; khuyến khích sự năng động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp du lịch để cung ứng, đưa vào khai thác phục vụ nhiều sản phẩm/dịch vụ mới phù hợp tâm lý, thị hiếu và xu hướng khách trong tình hình mới; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch...
Tại hội nghị, các đại biểu trình bày các tham luận, đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và giải pháp khôi phục hoạt động du lịch trong xu thế bình thường mới, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành khách sạn… Đồng thời hội nghị cũng đã ra mắt sàn thương mại du lịch và hội chợ du lịch trực tuyến.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, năm 2021, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 1,17 triệu lượt, giảm 55,8% so với năm 2020.
Trong đó, khách quốc tế ước đạt 110.000 lượt, giảm 84,2% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt gần 1,06 triệu lượt, giảm 45,5% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 2.554 tỷ đồng, giảm 36,6% so với năm 2020.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2021 không có khách đường biển và khách du lịch quốc tế đường hàng không đến Đà Nẵng./.