Đà Nẵng: Hơn 600 ha đất nông nghiệp bị 'bức tử'

Đây là diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác khoáng sản và các dự án.

Lúa vụ mùa đã trổ trên khắp các cánh đồng miền Trung nhưng ở huyện Hòa Vang, nhiều cánh đồng bao phủ bởi cỏ dại xen lẫn đất đá. Nhớ lại những cánh đồng mênh mông màu xanh của lúa trước đây giờ bị “bức tử”, nhiều nông dân nước mắt chực trào vì xót xa.

Các mỏ khoáng sản “bức tử” ruộng đồng

Bên mảnh ruộng rộng một sào trước nhà, vợ chồng ông Phan Thanh Phương (thôn Phước Thuận - Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) những ngày này đang đào đất, rào tre lại để trồng… rau muống. Phải đào sâu xuống cả mét đất, hốt sạch đất sét, vợ ông Phương mới có thể gieo rau muống.

Từ 20 năm nay, hàng chục mỏ khoáng sản lần lượt được cấp phép khai thác vây kín cả thôn Phước Thuận. Qua từng mùa mưa, đất đá từ trên núi tràn xuống đồng ruộng gây tắc nghẽn mương thủy lợi, “bức tử” hàng chục hecta đất sản xuất của người dân.

“Đất không trồng trọt gì được phải bỏ hoang đó, làm nông như tôi giờ phải chuyển sang bán nước mía, xót xa lắm!” - ông Phương thở dài nói.

Thông tin từ UBND xã Hòa Nhơn cho hay từ năm 2010 đến nay, toàn xã có 50 ha đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác khoáng sản và các dự án. Còn con số trên toàn địa bàn huyện Hòa Vang, thống kê mới nhất cho thấy có đến 537 ha đất nông nghiệp không sản xuất được hoặc chỉ được một vụ. Còn tại quận Liên Chiểu là khoảng 100 ha.

Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, thông tin huyện đã kiến nghị UBND TP tiếp tục hỗ trợ vụ mùa cho nông dân. Với đất ảnh hưởng bởi các mỏ khoáng sản thì chủ mỏ hỗ trợ 1,2 triệu đồng/sào/vụ. Với đất không thể cải tạo, huyện này cũng đề nghị TP đẩy nhanh thu hồi, đền bù cho nông dân chuyển đổi nghề nghiệp.

“Phần diện tích đất hoang hóa do người dân không sản xuất, huyện đã yêu cầu các xã thông báo cho người dân cam kết sản xuất. Nếu không thực hiện, các xã xem xét, thu hồi giao cho hộ khác có nhu cầu sản xuất theo quy định. Đến nay huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng gần 70 ha, phần còn lại sản xuất một vụ đông-xuân” - ông Hành nói.

Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng, đánh giá: “Việc hỗ trợ tiền cho nông dân là đúng nhưng họ tiêu cái hết ngay. Quan trọng nhất là người dân phải có đất sản xuất được để nuôi gia đình. Việc này nếu khó quá thì TP phải nhanh chóng thu hồi, nhưng cũng phải tính là thu hồi rồi thì dùng đất đó làm gì. Nên chăng TP quy hoạch lại, dồn điền đổi thửa, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”.

Người dân thôn Phước Thuận - Phước Hậu phải đào đất sét dưới đồng ruộng lên để trồng rau muống. Ảnh: TẤN VIỆT

Người dân thôn Phước Thuận - Phước Hậu phải đào đất sét dưới đồng ruộng lên để trồng rau muống. Ảnh: TẤN VIỆT

17 mỏ khoáng sản đang hoạt động

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho hay nguyên tắc việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp về mặt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

“Quan điểm của Sở là với những phần đất nông nghiệp không sản xuất được, các địa phương nên cố gắng nghiên cứu tìm giải pháp khai thác một cách hiệu quả nhất. Trong đó chú trọng theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trường hợp không thể sản xuất được nữa mới tính tới những dự án phục vụ an sinh xã hội” - ông Hùng nói.

Không chỉ bị ảnh hưởng từ các mỏ khoáng sản, đất nông nghiệp còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều dự án, nặng nhất là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Bên dưới đường này lẽ ra phải có nhiều cống thoát nước hơn. Nhưng nay cống đã ít mà lại làm miệng cống cao hơn mặt ruộng khiến nước không chảy qua được. Nắng thì khô hạn, mưa thì lầy lội.

Ông NGUYỄN KIM DŨNG, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng

Theo đề án đóng cửa mỏ khoáng sản của UBND TP Đà Nẵng, 18 mỏ đã và đang dừng khai thác, còn lại 17 mỏ tiếp tục hoạt động.

Nói về việc ràng buộc công tác phục hồi môi trường (hoàn thổ - PV) của các chủ mỏ khoáng sản, ông Hùng cho hay các chủ mỏ đều phải ký quỹ trước khi được cấp phép khai thác. Theo quy định thì chủ mỏ phải nộp một khoản tiền tương ứng với trữ lượng khai thác. Riêng Đà Nẵng hiện nay bắt nộp thêm 500 triệu đồng nữa vào quỹ để ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ hơn.

“Thường thì việc hoàn thổ kéo dài khoảng 2-3 năm, xong xuôi hết toàn bộ mới được hoàn trả tiền ký quỹ. Nếu không đảm bảo hoặc chủ mỏ có bỏ trốn thì mình dùng tiền đó để hoàn thổ. Tiền này nộp vào quỹ bảo vệ môi trường và Sở TN&MT tạm giữ” - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, UBND TP đã giao Sở TN&MT chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất lập thủ tục thu hồi đất nông nghiệp không sản xuất được nằm trong phân kỳ đến cuối năm 2020. Đối với đất quận, huyện đề xuất thu hồi nhưng chưa có trong phân kỳ trên, TP đã giao cho UBND quận, huyện tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân, phối hợp với Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch rà soát, tham mưu cho TP xem xét, quyết định.

Ban hành công văn thu hồi 108 ha đất

Theo ông Tô Văn Hùng, UBND TP đã ban hành công văn về việc phân kỳ thu hồi đất nông nghiệp không sản xuất được giai đoạn 1 là 108 ha. Tính đến ngày 30-6 mới chỉ thu hồi được 10,6 ha. Riêng phần đất chưa có trong phân kỳ thu hồi đang được các địa phương tiếp tục đề xuất là khoảng 93,2 ha. Trong đó, diện tích bị ảnh hưởng bởi các dự án trung ương là 20,4 ha, ảnh hưởng dự án địa phương là 72,7 ha.

Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, đề nghị UBND TP cho tổng rà soát hết đất nông nghiệp không sản xuất được, phân loại ra, tích hợp vào quy hoạch và cân đối nguồn lực.

“Cái nào thu hồi, thu hồi để làm mục đích gì và khi nào làm, ai sẽ quản lý đất này, ai chịu trách nhiệm trước những sai phạm khi xây dựng trái phép… báo cáo cho HĐND TP cuối năm 2019” - ông Trung nói.

TẤN VIỆT

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/da-nang-hon-600-ha-dat-nong-nghiep-bi-buc-tu-850000.html