Đà Nẵng họp ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn diện rộng trên địa bàn
Sáng 10-10, UBND TP Đà Nẵng họp về triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn diện rộng tại Đà Nẵng.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung bộ nối với áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông và trường gió Đông trên cao hoạt động mạnh nên tại TP Đà Nẵng 24 giờ tới tiếp tục có mưa to, mưa rất to và dông.
Dự báo tổng lượng mưa phổ biến trong 24 giờ tới (từ 1 giờ ngày 10 đến 1 giờ ngày 11-10): tại huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ là 150-300mm, quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn là 120-250mm, quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Hải Châu là 120-250mm, huyện đảo Hoàng Sa là 40-60mm.
Tính đến 5 giờ ngày 10-10 mực nước hồ thủy điện A Vương là 369,90/370m, hồ thủy điện Đak Mi 4 là 250,44/251,5m, hồ thủy điện Sông Bung 4 là 217,98/216m.
Tính đến 7 giờ ngày 10-10, mực nước hồ chứa Hòa Trung là 40,15m/41,10m với lượng mưa 125,2mm, hồ chứa Đồng Nghệ có mực nước 32,40m/33,3m, lượng mưa 231,2mm.
Một số hồ vừa và nhỏ đã đầy.
Các chủ hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia (Sông Bung 4A, Sông Bung 4, A Vương) bắt đầu xả tràn từ sáng 10-10 để vận hành đưa mức nước về dưới mực nước đón lũ.
Ông Nguyễn Hà Nam, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, có 7/11 xã bị ngâp lũ, 45 thôn ngập với 2747 hộ bị ngập, trong đó các thôn của xã Hòa Nhơn, Hòa Phong ngập sâu. Tính đến 8 giờ ngày 10-10, tổng số hộ di dời là 254 hộ với 730 nhân khẩu.
Về giao thông, một số khu vực bị sạt lở như tuyến đường ADB5 tuyến Hòa Liên - Hòa Bắc khoảng 50m³; đường bê tông 90m gần đoạn Cầu Quảng xã Hòa Liên; khu vực cống tuyến đường ĐH 409 – đoạn gần Đình Lệ Sơn – Hòa Tiến; tuyến đường ĐT 601 tại thôn Quan Nam 3, Hòa Liên; 5m đường nhựa tại Suối Hoa xã Hòa Phú.
Vào lúc 4 giờ 30 phút, một người dân tên T.B.T. (SN 1980, trú tại thôn 5, xã Hòa Khương) bị mất tích vì trượt chân tại tràn xả sâu hồ Đồng Nghệ.
Một số nơi trên địa bàn xảy ra tình trạng ngập cục bộ.
Đại diện Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang tiến hành thu hồi, xử lý, khắc phục các biển báo giao thông, dải phân cách mềm trên các tuyến đường bị nghiêng, ngã đỗ; mặt đường ĐT 601 bị sụt lún tại vị trí Km7+300 đã đề nghị đơn vị thi công tiến hành khắc phục; hoàn thành khắc phục đường ĐT 602 - đoạn Km7+500 bị sạt lở mái taluy dương; cử lực lượng giao thông đảm bảo giao thông tại các tuyến đường Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh, Hà Huy Tập, Lý Thái Tổ... và đề xuất với UBND TP Đà Nẵng đưa các tàu du lịch trên sông Hàn về nơi an toàn.
Theo ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, căn cứ vào tình hình cụ thể từng khu vực trên địa bàn, trước tình hình thời tiết có nhiều biến động, sở sẽ cân nhắc và đưa ra quyết định vào chiều 11-10.
“Học sinh sống ở địa bàn này nhưng đi học ở khu vực khác và giáo viên cũng như vậy vì vậy sở phải cân nhắc thật kỹ, theo dõi sát tình hình các địa phương”, ông Trần Nguyễn Minh Thành chia sẻ.
Về công tác dự trữ hàng hóa, theo ông Lê Đức Viên, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, sở đã làm việc với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối, tiểu thương có dự trữ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để sẵn sàng điều động khi có yêu cầu. Cụ thể như, Gạo trắng hạt dài: 165 tấn; mì ăn liền: 1.000.000 gói; nước uống đóng chai (1,5 lít): 300.000 chai; lương khô: 1.000 thùng; nếp các loại: 165 tấn; các mặt hành xăng dầu và chất đốt: 1.005.000 lít xăng, 2.000.5000 lít dầu Diezen, 20.500 lít dầu hỏa.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã tổ chức trực tăng cường vận hành hệ thống điện, bố trí nhân lực để sẵn sàng tái lập ca trực tại các trạm biến áp 110kV khi có yêu cầu.
Các sở, ngành và các địa phương đang triển khai dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường để đảm bảo thoát nước, vệ sinh; khắc phục các cây xanh bị ngã đổ, triển khai phương án khắc phục môi trường sau mưa lũ...
Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng đề nghị lực lượng túc trực 24/24 tại 19 hồ chứa, khi tràn xả lũ thì phải thông báo nhanh đặc biệt các thôn xung quanh hồ, ngư dân. Tình hình mưa lũ tương đối phức tạp, kết hợp lũ, giông. Các địa phương quận, huyện vừa chỉ đạo lũ nhưng cũng phải xử lý môi trường.
Hiện nay, Sở GT-VT đang phối hợp Sở Xây dựng, Sở NN-PTNT, UBND huyện Hòa Vang kiểm tra các vùng bị ngập lụt trên địa bàn huyện Hòa Vang để nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý (có thể xem xét đề xuất xây dựng các cầu cạn) để phục vụ bà con nhân dân trong thời gian chưa triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo quy hoạch tại các khu vực này theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng.
Trước tình hình thời tiết phức tạp, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các quận huyện, giám đốc sở, ngành lên các phương án phòng chống lũ, sạt lở đất; tiếp tục tổ chức chằng chống nhà cửa, tổ chức neo đậu lồng bè trên sông, đặc biệt khu vực ngã ba sông giáp ranh Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn.
Đối với Âu thuyền Thọ Quang, chỉ phục vụ tàu cá tránh trú bão theo quy định, Bộ đội Biên Phòng phối hợp Sở Công thương đưa toàn bộ tàu chứa xăng dầu ra ngoài để phòng tránh cháy nổ.
Đối với huyện Hòa Vang, nếu cần thiết, UBND huyện có thể đề xuất với Ban Chỉ huy Quân sự, Công an thành phố Đà Nẵng chủ động phối hợp đưa ca nô lên vị trí xung yếu để khi có trường hợp xấu có thể can thiệp ngay.
“Trong mùa mưa bão, người dân nên hạn chế đi lại, sản xuất, sử dụng phương tiện đi qua vùng lụt. Bộ đội biên phòng kêu gọi tàu thuyền, quản lý chặt chẽ hoạt động liên lạc thông tin trên biển, phối hợp đơn vị tổ chức, trung tâm cứu hộ cứu nạn hàng hải, các đơn vị công ty tàu thuyền Đà Nẵng tiếp tục tìm kiếm tàu mất tích”, ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.