Đà Nẵng hướng tới trở thành 'Thành phố điện mặt trời'
Năm 2020, TP. Đà Nẵng đã có bước đột phá về số lượng và tổng công suất lắp đặt, sản lượng điện mặt trời mái nhà. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng sản lượng điện mặt trời mái nhà sẽ đóng góp khoảng 3,89% tổng nhu cầu điện toàn thành phố. Con số này sẽ lên đến 4,8% vào năm 2030 và 4,84% vào năm 2035.
Số lượng khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà tăng mạnh
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), TP. Đà Nẵng có nhiều tiềm năng về phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà. Tiềm năng lý thuyết về tổng diện tích khả năng lắp đặt được điện mặt trời mái nhà tại Đà Nẵng là 1.285 km2, tổng công suất lắp đặt có thể đạt đến 1.140 MWp, điện năng tạo ra hàng năm là hơn 3 triệu MWh. Khả năng đấu nối, giải tỏa công suất của Công ty Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) ở thời điểm hiện tại lên tới 1.800 MWp và đang tiếp tục có kế hoạch nâng cấp hệ thống lưới điện đảm bảo giải tỏa công suất toàn bộ lượng điện mặt trời mái nhà phát ngược lên lưới.
Từ chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà của Chính phủ, năm 2020 ghi nhận sự tăng đột biến số lượng khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà cũng như tổng công suất lắp đặt và tổng sản lượng điện phát ngược lên lưới điện tại Đà Nẵng.
Ông Lê Hồng Cương - Giám đốc PC Đà Nẵng - cho biết, trong năm 2020, đặc biệt thực hiện chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, PC Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương trong công tác quảng bá, tuyên truyền phát triển điện mái nhà; công khai các khả năng giải tỏa công suất điện mặt trời mái nhà, của đường dây và trạm biến áp; minh bạch trong công tác hoàn thiện đấu nối, nghiệm thu công trình.
Tính đến hết năm 2020, toàn công ty có 2.528 khách hàng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 78,46 MWp, tổng sản lượng điện phát ngược lên lưới điện lũy kế là 14,7 triệu kWh.
“So với năm 2019, năm 2020 TP. Đà Nẵng có đột phá rất lớn về điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Nếu năm 2019, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà toàn TP. Đà Nẵng chỉ là 7,5 MWp, thì đến năm 2020 đã có1.539 khách hàng lắp đặt mới với tổng công suất lắp đặt 71,47 MWp, với tổng sản lượng phát ngược là 13,2 triệu kWh”, ông Cương nói.
Đến năm 2035, sản lượng điện mặt trời mái nhà sẽ đóng góp 4,84% tổng nhu cầu điện thành phố
Theo Đề án Phát triển điện mặt trời mái nhà TP. Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2035, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà toàn thành phố sẽ đạt 169,54 MWp, chiếm 17,76% tiềm năng kỹ thuật, sản lượng điện tương ứng khoảng 247.535 MWh, đóng góp khoảng 3,89% tổng nhu cầu điện toàn thành phố. Đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt sẽ đạt 293,92 MWp, chiếm 30,78% tiềm năng kỹ thuật, sản lượng điện tương ứng khoảng 429.128 MWh, đóng góp khoảng 4,8% tổng nhu cầu điện toàn thành phố. Các chỉ số này đến năm 2035 lần lượt là tổng công suất đạt 402,24 MWp, sản lượng tương ứng 587.273 MWh, đóng góp 4,84% tổng nhu cầu điện thành phố.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng điện mặt trời mái nhà TP. Đà Nẵng đang ưu tiên khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục, y tế, chợ…. với mục tiêu đến năm 2025 có hơn 80% cơ sở công tại Đà Nẵng lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Thực hiện đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà ở khu cực công đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định pháp luật.
Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng. Trong đó, sẽ tập trung phát triển điện mặt trời mái nhà tại các cơ sở sản xuất trong các khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Cùng với đó, khuyến khích, ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà tại các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng nhất là các điểm nóng phát triển về du lịch thành phố nhằm giảm tải nguồn điện lưới quốc gia tại khu vực. Công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại khu vực này đến năm 2025 đạt 79,79 MWp, đến năm 2030 đạt 142,55 MWp, và đến năm 2035 đạt 191,49 MWp.
Tại các khu dân cư, TP. Đà Nẵng sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế để khuyến khích, thúc đẩy hộ gia đình đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hướng tới hình ảnh “Thành phố điện mặt trời”, góp phần xây dựng thành phố môi trường và phát triển bền vững.