Đà Nẵng: Khám phá văn hóa của người dân Cơ Tu tại lễ hội dịp 30/4
Ngày 27/4, tại Xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Tp.Đà Nẵng, đã diễn ra chương trình Liên hoan Văn hóa – Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ Tu 2023.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Tuần lễ du lịch Hòa Bắc được tổ chức tại xã Hòa Bắc, kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023); Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 Âm lịch) và Ngày Quốc tế lao động (1/5).
Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cộng đồng người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang hiện nay có khoảng 1.450 người, sống ở ba thôn Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc và thôn Phú Túc của xã Hòa Phú.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các thôn Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc, du khách đến sẽ được thưởng thức những điệu múa sống động đầy âm hưởng của núi rừng qua phần trình diễn cồng chiêng; được xem biểu diễn văn nghệ truyền thống hay nghe những điệu hát lý, nói lý mang đậm bản sắc của người Cơ Tu.
Cùng với đó, du khách còn được thấy đồng bào thể hiện nghi thức kết nghĩa rất đỗi nhân văn nhưng cũng rất độc đáo mà không cộng đồng nào khác có được. Từ đó, giúp đồng bào củng cố hơn nữa mối quan hệ đoàn kết và tự hào về truyền thống của cộng đồng mình.
Chương trình được thực hiện với mục tiêu tôn vinh tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa cộng đồng người Cơ Tu vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn truyền thống văn hóa.
Ngoài ra, Lễ hội này cũng mong muốn mang đến cho mọi người những trải nghiệm chân thật, cảm xúc ấn tượng và những cảm nhận khó quên khi được trực tiếp giao lưu, tiếp xúc với đồng bào Cơ Tu, được tìm hiểu và biết thêm kiến thức về những giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Cũng theo ông Dũng, chương trình này giúp bà con nhân dân xã Hòa Bắc nêu cao ý thức tự tôn về dân tộc mình, giữ gìn tiếng nói chung, trang phục truyền thống, nhà ở và các phong tục tập quán tốt đẹp.
Mong các già làng làm tốt hơn nữa công tác truyền dạy văn hóa như dạy hát lý, đánh cồng chiêng, múa tung tung – da dá, kể chuyện sử thi… cho thế hệ trẻ, để thanh niên nam nữ Cơ Tu của mình có được sự hoài niệm về quá khứ, về lòng yêu nước, yêu núi rừng đại ngàn, có tinh thần quyết tâm vượt khó thoát nghèo. Có như vậy thì việc bảo tồn truyền thống văn hóa mới đem lại kết quả bền vững”, ông Dũng nói.