Đà Nẵng khẩn trương xử lý các ổ dịch

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi tuần trên địa bàn Đà Nẵng ghi nhận 320 - 340 ca mắc SXH. Số ca mắc đang có xu hướng tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện nhiều trường hợp biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong...

Chiều 7/11, Sở Y tế TP Đà Nẵng thông tin, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương xác định công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có dịch sốt xuất huyết (SXH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Bệnh nhân SXH đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Bệnh nhân SXH đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng đang trong tình trạng quá tải, tăng gấp 5 lần bệnh nhân SXH so với cùng thời điểm năm 2021. Trung bình mỗi ngày, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận, điều trị hơn 40 bệnh nhân mắc SXH, trong đó có nhiều ca mắc SXH đã trở nặng. Khoa này đã đưa vào sử dụng cơ sở 2 để tiếp nhận thêm số bệnh nhân mắc SXH ngày một tăng.

Trung bình mỗi tuần trên địa bàn Đà Nẵng ghi nhận 320 - 340 ca mắc SXH. Chỉ từ 31/10 đến ngày 6/11, Đà Nẵng ghi nhận thêm 458 ca mắc sốt xuất huyết, đã phát hiện có 34 ổ bệnh nhỏ.

Trung bình mỗi tuần trên địa bàn Đà Nẵng ghi nhận 320 - 340 ca mắc SXH. Chỉ từ 31/10 đến ngày 6/11, Đà Nẵng ghi nhận thêm 458 ca mắc sốt xuất huyết, đã phát hiện có 34 ổ bệnh nhỏ.

CDC Đà Nẵng thông tin thêm, trung bình mỗi tuần trên địa bàn Đà Nẵng ghi nhận 320 - 340 ca mắc SXH. Tính đến ngày 6/11, toàn thành phố đã ghi nhận 8.051 ca mắc sốt xuất huyết (cộng dồn năm 2022), tăng 16,5 lần so với năm 2021. Cụ thể, gần nhất (từ 31/10 đến ngày 6/11) Đà Nẵng ghi nhận thêm 458 ca mắc sốt xuất huyết, đã phát hiện có 34 ổ bệnh nhỏ.

Tuy chưa có trường hợp tử vong do SXH trong năm 2022, nhưng số ca mắc ở Đà Nẵng đang có xu hướng tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện nhiều trường hợp biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong. Hiện Đà Nẵng có 15 xã/phường ghi nhận ca mắc SXH cao trong 5 tuần vừa qua gồm: Hòa Minh, Hòa Hải, Hòa Quý, Hòa Khánh Bắc, Hòa Thọ Đông, Hòa Xuân, An Khê, Hòa Khánh Nam, Hòa Tiến, Mỹ An, Hòa Khê, Khuê Mỹ, Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Hiệp Nam thuộc các quận huyện Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hòa Vang (Đà Nẵng)…

Để chủ động và quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống SXH, ngành Y tế Đà Nẵng đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống nhất là tại các địa phương có số ca mắc cao trên địa bàn. Phân công cán bộ đứng điểm để theo dõi, đánh giá tình hình và phối hợp chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các địa phương.

Ngoài ra, hằng ngày cán bộ Y tế phối hợp với các khoa có nhận bệnh truyền nhiễm như khoa lây, khoa nhi, phòng khám… để tiến hành phân loại bệnh, lên danh sách, quản lý bệnh nhân và gửi thông tin về các địa phương có liên quan ca bệnh. Chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh phân công chế độ trực chuyên môn sẵn sàng tiếp nhận điều trị, đánh giá, chuyển tuyến bệnh nhân kịp thời; cập nhật các phác đồ điều trị theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế; đảm bảo thiết bị, thuốc, vật tư y tế, hóa chất đáp ứng với yêu cầu thu dung, điều trị bệnh nhân an toàn, hiệu quả.

Để tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn, không để dịch bùng phát, lan rộng và diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Trong đó, các ngành, địa phương xác định phòng, chống bệnh SXH là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm ổn định và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Hoài Thu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/da-nang-khan-truong-xu-ly-cac-o-dich-i673479/