Đà Nẵng khánh thành bảo tàng hiện đại, điểm nhấn văn hóa bên bờ sông Hàn
Sáng nay (28/3), UBND thành phố Đà Nẵng khánh thành Bảo tàng vừa mới được cải tạo từ tòa thị chính cũ (Tòa Đốc lý) có tuổi đời 125 năm. Đây là bảo tàng hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ AI mới. Thành phố cũng khởi công xây dựng tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp.
Dự lễ khành thành có ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; ông Phan Diễn, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng lãnh đạo UBND thành phố.

Cổng Bảo Bảo tàng ở đường Trần Phú
Bảo tàng Đà Nẵng mới vừa được cải tạo từ tòa nhà 42 Bạch Đằng, trước đây là Tòa Đốc lý, Tòa thị chính Đà Nẵng. Tòa nhà này xây dựng từ thời Pháp thuộc, đến nay đã 125 năm tuổi. Tòa nhà này đã đi vào lịch sử gắn với sự kiện ngày 29/3/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa Thị chính, đánh dấu thắng lợi của quân và dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua nhiều giai đoạn xây dựng và phát triển, công trình này từng là trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, UBND và HĐND thành phố Đà Nẵng.

Tầng 1 là các tư liệu hình ảnh về quá trình hình thành và phát triển của Đà Nẵng gồm ảnh và video phục vụ người đến tham quan

Các đồng chí lãnh đạo đang nghe rô bốt ứng dụng trí tuệ nhân tạo hướng dẫn
Ngày 04/6/2021, UBND thành phố Đà Nẵng khởi công dự án Cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng, gồm các hạng mục: Xây dựng khối nhà mới, số 31 Trần Phú; Cải tạo, nâng cấp khối nhà cũ ở số 42 - 44 Bạch Đằng với tổng diện tích 8.600 m2 theo hướng nâng cấp Tòa nhà cổ thành một Bảo tàng có quy mô lớn, vừa mang giá trị văn hóa - lịch sử, vừa mang tính hiện đại. Bảo tàng Đà Nẵng là công trình văn hóa được đầu tư với hệ thống trưng bày, diễn giải khoa học, cơ sở vật chất hiện đại với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Người dân Đà Nẵng hào hứng với rô bốt nói được 10 ngôn ngữ tại quầy lễ tân
Bảo tàng hiện đang lưu giữ gần 3.000 tài liệu, hiện vật được lựa chọn từ 27.000 tài liệu, hiện vật, kết hợp phong cách trưng bày truyền thống với công nghệ trình chiếu hiện đại; đặc biệt là ứng dụng phim 3D Mapping, phim 3D, phim tư liệu và slide hình ảnh làm tăng tính trải nghiệm, tương tác đối với du khách. Bảo tàng Đà Nẵng với không gian trưng bày được thiết kế một cách khoa học, phù hợp để bố trí các chuyên đề trưng bày hình ảnh, tài liệu và hiện vật, trong đó gồm 9 chuyên đề lớn, đó là: Bức tường ảnh Tổng quan về thành phố Đà Nẵng; Thiên nhiên và con người Đà Nẵng; Lịch sử Đô thị Đà Nẵng; Cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc; Chứng tích chiến tranh; Đà Nẵng hội nhập và phát triển; Đa dạng văn hóa; Tòa thị chính Đà Nẵng; Sưu tập cổ vật của Bảo tàng Đà Nẵng.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, công trình đã đáp ứng được công năng của một bảo tàng hiện đại với các ứng dụng công nghệ số tạo hiệu ứng trực quan, sinh động; cách tiếp cận và diễn giải sống động, các không gian tương tác, kết nối cảm xúc, trí tuệ, giúp khách tham quan có thể tự khám phá, trải nghiệm; kho cơ sở bảo quản hiện vật theo tiêu chuẩn bảo tàng học hiện đại, bổ sung các khu vực phục vụ cho nhu cầu học tập cộng đồng theo xu hướng thế giới như khu giáo dục dành cho trẻ em, trưng bày kho mở…
Ông Lê Trung Chinh khẳng định: “Ngay từ hôm nay, khi Bảo tàng chính thức đi vào hoạt động, tôi đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện để Bảo tàng Đà Nẵng quản lý tốt cơ sở vật chất được bàn giao; tích cực sưu tầm bổ sung hiện vật, không ngừng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa mọi hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết minh phục vụ khách tham quan… Đặc biệt, tận dụng công nghệ số để tạo sự kết nối mạnh mẽ hơn với cộng đồng, nâng cao nhận thức về di sản văn hóa và tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho khách tham quan”.

Không gian trưng bày đô thị Đà Nẵng thời Pháp thuộc

Không gian trưng bày các giai đoạn phát triển của Đà Nẵng

Khuôn viên Bảo tàng nằm cạnh trụ sở HĐND thành phố Đà Nẵng trở thành cụm công trình văn hóa ấn tượng
Theo các chuyên gia, đây là bảo tàng hiện đại, có tính tương tác cao ở khu vực miền Trung. Đây cũng là bảo tàng ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại như 3D, 3D Mapping, tương tác... Đặc biệt, Bảo tàng Đà Nẵng là đơn vị bảo tàng đầu tiên sử dụng rô bốt thông minh. Theo đó, khi vào bảo tàng, du khách chỉ cần ấn nút yêu cầu, rô bốt sẽ hướng dẫn du khách đi theo lộ trình cụ thể hoặc tùy biến bằng 10 loại ngôn ngữ khác nhau.
Ông Phan Thanh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty AIAIVN, đơn vị cung cấp các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại bảo tàng này cho biết: "Đây là bảo tàng đầu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lãnh thổ Việt Nam áp dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực thuyết minh, trình diễn cho bảo tàng. Đầu tiên có những ki ôt chát box nói được 10 thứ tiếng để hỗ trợ du khách. Thứ hai là có con rô bốt dẫn đường cho du khách, ví dụ tìm đến quầy bán vé, chỗ gửi đồ, con rô bốt đó cũng nói được 10 thứ tiếng”.

Đây là bảo tàng đầu tiên sử dụng rô bốt có thể nói được 10 ngôn ngữ hỗ trợ khách

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (thứ 2 từ phải qua) cùng quan khách tham quan bảo tàng
Trước đây, bảo tàng Đà Nẵng nằm chung trong Thành Điện Hải khiến việc tham quan của người dân, du khách cũng hạn chế hơn. Giờ đây, bảo tàng đưa ra vị trí mới, nằm mặt tiền 2 trục đường lớn là Bạch Đằng, Trần Phú luôn có du khách qua lại chính là một lợi thế. Bên cạnh đó, bảo tàng nằm trên một di tích lịch sử, văn hóa, đó là tòa nhà 125 năm tuổi với kiến trúc cổ điển Pháp còn vẹn nguyên giá trị dễ tạo rất tượng với người dân, du khách.
Anh Trần Trung Nghĩa, người dân thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Công trình này có 1 lịch sử rất lâu đời của thành phố Đà Nẵng. Bản thân tòa nhà cũng là 1 hiện vật đối với người dân thành phố rồi. Bên trong, nội dung trưng bày của bảo tàng cũng đã kết hợp việc trưng bày truyền thống và hiện đại, kết hợp rất nhiều màn hình chiếu và công nghệ như 3D Mapping có tương tác, tái hiện lại những hình ảnh, khung cảnh của thành phố Đà Nẵng trong lịch sử, trong quá khứ giúp người dân có thể hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa lịch sử từ lâu đời”.

Hình mô phỏng dự án tượng Bác Hồ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp
Trong khuôn khổ buổi Lễ hôm nay, UBND thành phố Đà Nẵng khởi công xây dựng công trình Tượng Bác Hồ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng. Dự án gồm các hạng mục chính như: Cải tạo, tôn tạo cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật xung quanh; tạo không gian đọc sách thân thiện ngoài trời. Tượng Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng, chính giữa khuôn viên; Tượng cao 2,7m, rộng 1,7 m làm từ đá cẩm thạch màu trắng xám. Công trình này có bức phù điêu ở phía sau tượng Bác Hồ, được sắp xếp lại từ 5 mảng với tổng chiều dài 15m, cao 4,05 m, khắc họa hình ảnh Khuê Văn Các ở chính giữa và hình ảnh danh thắng Ngũ Hành Sơn - di tích cấp quốc gia đặc biệt của thành phố Đà Nẵng ở hai bên, bằng đá Granit xám.
Tượng Bác Hồ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp sẽ là một địa điểm văn hóa quan trọng để nhân dân, du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng được chiêm ngưỡng, tưởng nhớ Bác.