Vẹn nguyên ký ức một thời
Những câu chuyện, tác phẩm thế hệ Văn Nghệ Giải Phóng vẫn còn trong từng trang viết, ký ức của những người đi ra từ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), ngày 30-3, tại TP HCM đã diễn ra cuộc họp mặt cán bộ, nhân viên, văn nghệ sĩ (VNS) Tiểu ban Văn nghệ Khu Sài Gòn - Gia Định (T4) và Báo Văn Nghệ Giải Phóng.
Đùm bọc nhau, dồn sức đánh giặc
Những mái đầu bạc, những đôi mắt không còn tinh anh, song ký ức một thời của những người đã hy sinh tuổi trẻ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau 50 năm vẫn vẹn nguyên, bồi hồi xúc động. Những tên tuổi nhà văn, nhà báo lẫy lừng của cả nước ngồi bên nhau, mừng nhau còn khỏe để họp mặt, sum vầy.
Theo nhà văn - nhà báo Khuynh Diệp, đây là dịp để ôn lại ký ức của những người từng sống, chiến đấu và công tác tại Tiểu ban Văn nghệ T4 và đưa tờ Văn Nghệ Giải Phóng từ chiến khu về xuất bản tại TP HCM từ những ngày đầu giải phóng; để tưởng nhớ, tri ân những VNS, những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đã hy sinh và đã qua đời.

Nhà văn Thạch Cương phát biểu tại buổi họp mặt
"Ai cũng vui vì được gặp lại những người đồng chí, người bạn một thời cầm bút, một thời chống càn, làm rẫy và liên tục di chuyển căn cứ với lý tưởng phục vụ kháng chiến, mong giang sơn thu về một mối" - nhà văn - nhà báo Khuynh Diệp bày tỏ.
Sau phần trình diễn ca khúc về đất thép Củ Chi của các cựu văn công giải phóng là những tâm tình của những đồng chí, đồng đội một thời. Nhà thơ Hoài Vũ - nguyên Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Ủy viên Thường trực Hội Văn nghệ Giải phóng, Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ Giải Phóng - xúc động: "Nhìn gương mặt từng người hôm nay, bao nhiêu nhớ thương cuồn cuộn trong lòng… Chúng ta từng đùm bọc nhau, san sẻ cho nhau những vui buồn trong cuộc sống để dồn sức đánh giặc. Có thể nào quên một thời thanh niên sôi nổi, một tấm lòng thương dân, yêu nước không cách gì đong đếm được; một sự gan dạ hy sinh, kể cả cái chết dưới bom gầm, pháo dập trong từng đêm từng ngày ở vùng ven Sài Gòn - Gia Định những ngày tháng ấy".
"Nợ anh em, đồng chí, bà con"…
GS-TS Phan Thanh Bình - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc ĐHQG TP HCM, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; con trai của nhà thơ Viễn Phương, nguyên Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - kể lại những kỷ niệm với người cha kính yêu của mình.
Ông đọc lại cho mọi người nghe bài thơ của cha mình viết năm 1956 với câu kết "Bạo tàn đâu khuất phục được lòng dân". Đến năm 1959, nhà thơ bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt; năm 1963, ra tù, nhà thơ vào chiến khu; còn mẹ của GS-TS Phan Thanh Bình ở lại nội thành nuôi con, hoạt động bí mật. Ông nhắc cha mình thường nói với con cháu khi đất nước thống nhất rằng: "Ba nợ anh em, đồng chí, bà con mình nhiều lắm. Những người giỏi hơn ba, đa số đều hy sinh, ba may mắn mà sống thôi" và "Ba nợ mẹ các con cả một thời nuôi các con để ba đi kháng chiến"…

Các nữ văn công giải phóng ngày nào hát lại bài ca về đất thép Củ Chi
Với GS-TS Phan Xuân Biên - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM - những năm ở chiến trường, tình cảm những người lính và VNS rất thân thiết. Ông công tác ở Văn Nghệ Giải Phóng được 4 năm nhưng đây là quãng thời gian quý giá, đáng tự hào.
Nhà báo - nhà văn Trần Văn Tuấn, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, nói ông luôn xúc động, biết ơn những ngày tháng gian nan mà hào hùng đó. Sự nghiệp văn chương - báo chí của ông cũng xuất phát từ Văn Nghệ Giải Phóng.
Truyền lửa, truyền cảm hứng sáng tạo
Những kỷ niệm được ôn lại, nhắc nhớ cho nhau. Câu vọng cổ được nữ cựu văn công Như Ý hát tặng mọi người trong lưu luyến. Còn ông Phùng Lạc Minh (Bảy Hòa) kể những ngày gian lao, người làm điện đài như ông hỗ trợ VNS trong phát thanh, phát hành Báo Cờ Giải Phóng.
Nhà văn Thạch Cương, nguyên Trưởng Phòng Báo chí Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM, đọc một đoạn trong tiểu thuyết của ông viết về không gian chiến khu vùng ven Sài Gòn - Gia Định, nơi có người "ngâm thơ dưới bóng con đầm già". Lúc đó, máy bay trinh sát, còn gọi là "đầm già", của chính quyền Sài Gòn bay rà rà tìm mục tiêu để gọi pháo bắn phá, vi phạm Hiệp định Paris ký kết ngày 27-1-1973.

GS.TS Phan Xuân Biên phát biểu tại buổi họp mặt
Tác giả đã núp được vào bụi cây, bị gai mắc cỡ cào vào mặt song máy bay trên đầu nên đành nằm im. Nghe tiếng ngâm thơ sang sảng, ông nhìn qua bên cầu, thấy một đồng đội đang hồn nhiên chạy xe đạp và ngâm thơ say sưa. Ông hét lên báo hiệu cho đồng đội biết, người này vội bỏ xe và núp được bên đường. Đợi máy bay "đầm già" bay xa, các ông mới đứng lên, người lấy xe đạp tiếp, người gỡ gai nhọn bám trên mặt mình…
Những câu chuyện, những tác phẩm thế hệ Văn Nghệ Giải Phóng dù thời gian đi qua vẫn còn trong từng trang viết, từng ký ức của những người đi ra từ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Thời gian đi qua nhưng cảm xúc vẫn tràn đầy, "những người đi trước tiếp tục truyền lửa, truyền cảm hứng sáng tạo cho những nhà văn thế hệ sau", như nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, nhìn nhận.
Thành tựu to lớn và quan trọng
Nhà văn Lê Quang Trang - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM - kể lại thời ông thân thiết với các VNS ở Tiểu ban Văn nghệ T4, được đối xử đầy nghĩa tình, thương mến, từ tạo điều kiện tham gia viết bài đến bữa cơm no, áo mới làm quà cho người thân ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam sau đợt công tác. Khi về với Văn Nghệ Giải Phóng, ông lại được tiếp xúc, gần gũi với những tên tuổi lớn trong giới VNS miền Nam và cả nước.
Nhà văn Lê Quang Trang nói về Văn Nghệ Giải Phóng: "Đây là tiến trình văn nghệ hết sức độc đáo, đặc sắc, với những thành tựu to lớn và quan trọng, góp phần vào sự nghiệp chung của cách mạng và riêng với văn nghệ hiện đại".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ven-nguyen-ky-uc-mot-thoi-196250330214906932.htm