Đà Nẵng: Kỷ niệm 100 năm khánh thành Bảo tàng Điêu khắc Chăm
Năm 2009, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được tổ chức Guinness Việt Nam công nhận kỷ lục là một trong 10 bảo tàng Việt Nam thu hút đông khách tham quan nhất.
Chiều 22/11, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), Bảo tàng Điêu khắc Chăm tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày khánh thành và mở cửa đón khách tham quan (năm 1919-2019).
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu chặng đường 100 năm xây dựng và phát triển của Bảo tàng Điêu khắc Chăm - một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan thành phố Đà Nẵng.
Theo ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, năm 1915, bảo tàng chính thức khởi công xây dựng; đến năm 1919, bảo tàng được hoàn thành và mở cửa đón khách tham quan.
Bảo tàng ban đầu có tên gọi là Museé Cham, Tourane (Bảo tàng Chàm, Đà Nẵng).
Bảo tàng Điêu khắc Chăm là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng. Bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ hơn 3.000 hiện vật thuộc văn hóa Chămpa.
Đặc biệt, Bảo tàng là nơi trưng bày, bảo quản của bốn bảo vật Quốc gia gồm: Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Tượng Bồ tát Tara và Đài thờ Đồng Dương.
Năm 2009, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được tổ chức Guinness Việt Nam công nhận kỷ lục là một trong 10 bảo tàng Việt Nam thu hút đông khách tham quan nhất.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày khánh thành và mở cửa, Bảo tàng Điêu khắc Chăm chính thức giới thiệu các hoạt động, trưng bày chuyên đề bao gồm: Trưng bày ảnh tư liệu "Bảo tàng Điêu khắc Chăm-100 năm xây dựng và phát triển"; trưng bày Kho mở Bảo tàng Điêu khắc Chăm; kết quả khai quật khảo cổ di tích Chămpa Phong Lệ năm 2011-2018.
Đặc biệt, Bảo tàng đưa hệ thống thuyết minh tự động (audio guide) bằng công nghệ mã quét QR vào phục vụ du khách để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và đa dạng hóa các hình thức truyền tải nội dung trưng bày đến du khách.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng cho biết Bảo tàng Điêu khắc Chăm là Bảo tàng được xây dựng và khánh thành đầu tiên trên cả nước.
Đối với di sản văn hóa Chăm hiện nay, Bảo tàng là nơi lưu giữ những bộ hiện vật đồ sộ nhất và lớn nhất.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của Bảo tàng, trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày, quản lý hiện vật để tăng tính hấp dẫn và phù hợp với xu thể phát triển của một bảo tàng hiện đại, Bảo tàng và bộ phận quản lý di tích khẩn trương tiến hành các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục công nhận hiện vật trong Bảo tàng là bảo vật quốc gia; làm hồ sơ công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị thành phố tiếp tục mở rộng không gian cho bảo tàng./.