Đà Nẵng là địa phương tiên phong lồng ghép phòng chống, giảm nhẹ thiên tai vào giáo dục
Ngày 5-10, tại Đà Nẵng, Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ GD-ĐT, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức tổng kết chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13-10).
Theo đó, chương trình thu hút gần 1.000 học sinh, thầy cô giáo đến từ các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận Thanh Khê, quận Liên Chiểu.
Với chủ đề “Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai”, nhiều hoạt động hưởng ứng đã diễn ra như tập huấn “Hướng dẫn tổ chức hoạt động ngoại khóa về chủ đề phòng, chống thiên tai trong trường học”; cuộc thi sáng tác tranh “Góc nhìn trước thiên tai”; hoạt động ngoại khóa vẽ tranh tường “Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu”; cuộc thi Rung chuông vàng “Cùng em phòng chống thiên tai – Kiến tạo tương lai bền vững”...
Buổi lễ đã diễn ra lễ ký kết Chương trình phối hợp lồng ghép kiến thức phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo giữa Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng và Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng.
Đà Nẵng là địa phương tiên phong trong việc cam kết thực hiện các hoạt động phối hợp trong thời gian tới. Theo đó, địa phương đưa ra mục tiêu đến năm 2029: 90% các cơ sở giáo dục phổ thông tích hợp nội dung vào một số môn học; 100% giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp phụ trách về phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trên địa bàn thành phố được đào tạo, tập huấn, kỹ năng; 100% cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai; Ít nhất 70% học sinh cấp trung học cơ sở, 100% học sinh cấp trung học phổ thông được tập huấn, tham gia các hoạt động về nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) hy vọng, thời gian tới, nhiều địa phương trên cả nước triển khai đồng bộ các hoạt động lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai trong nhà trường, để từ đó có thêm nhiều tấm gương sáng như trưởng bản Ma Seo Chứ hay cô giáo Bùi Thị Châm. Chuỗi hoạt động đã lan tỏa định hướng lấy trẻ em làm trung tâm trong các hoạt động nâng cao nhận thức về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu, cũng như tạo sân chơi bổ ích, phát huy phong trào tìm hiểu kiến thức phòng, chống thiên tai cho trẻ em và cộng đồng trên cả nước.