Đà Nẵng lần thứ 5 giành giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam

19 giải thưởng 'Thành phố thông minh Việt Nam 2024' vừa được trao cho 6 thành phố và 9 doanh nghiệp công nghệ. Đây là năm thứ 5 Đà Nẵng được vinh danh đơn vị xuất sắc trong xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam.

Chiều ngày 3/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam - VINASA tổ chức lễ công bố và trao giải thưởng ‘Thành phố thông minh Việt Nam 2024'.

Đây là năm thứ 5 giải thưởng này được tổ chức với mục đích tôn vinh những địa phương, tổ chức và doanh nghiệp tiên phong, tiêu biểu trong hành trình xây dựng đô thị thông minh, mang lại tiện ích cho người dân.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa trao giải cho đại diện các địa phương giành giải 'Thành phố thông minh Việt Nam 2024'. Ảnh: BTC

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa trao giải cho đại diện các địa phương giành giải 'Thành phố thông minh Việt Nam 2024'. Ảnh: BTC

Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa cho biết, Ban tổ chức giải thưởng ‘Thành phố thông minh Việt Nam 2024’ đã nhận được 70 đề cử từ các địa phương, doanh nghiệp.

Sau các vòng sơ tuyển, thuyết trình thẩm định và chung tuyển, Hội đồng giám khảo đã quyết định trao 19 giải thưởng, gồm 10 giải cho các thành phố và 9 giải trao cho các doanh nghiệp có giải pháp công nghệ xuất sắc phục vụ xây dựng thành phố thông minh. Ngoài ra, Hội đồng giám khảo cũng quyết định khen thưởng nỗ lực phát triển của 1 thành phố là Hồng Ngự (Đồng Tháp).

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng giám khảo giải thưởng ‘Thành phố thông minh Việt Nam 2024’, năm nay các đề cử có chất lượng tốt, được đánh giá dựa trên các tiêu chí gồm thông minh, bền vững, đổi mới sáng tạo.

Danh sách 9 doanh nghiệp công nghệ số giành giải thưởng 'Thành phố thông minh Việt Nam 2024' với các giải pháp xuất sắc phục vụ xây dựng đô thị thông minh.

Danh sách 9 doanh nghiệp công nghệ số giành giải thưởng 'Thành phố thông minh Việt Nam 2024' với các giải pháp xuất sắc phục vụ xây dựng đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Văn Khoa cũng cho biết, đánh giá chung về giải thưởng năm nay, Ban tổ chức nhận thấy Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội, Tây Ninh là những địa phương đã triển khai tốt đô thị thông minh và có sự tiến bộ, thay đổi rõ rệt qua từng năm.

Các đô thị đều đã hoàn thiện những hạ tầng cơ bản như dữ liệu, truyền dẫn, đồng thời xây dựng những ứng dụng thông minh để hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp. “Một số thành phố lớn đang đặt những chỉ tiêu liên quan đến phát triển bền vững và hạnh phúc của người dân để xây dựng Smart City. Đặc biệt, Đà Nẵng luôn giữ vững vị trí tiên phong trong công cuộc xây dựng thành phố thông minh”, ông Nguyễn Văn Khoa cho hay.

Tại sự kiện, giải thưởng chính của chương trình bình chọn ‘Thành phố thông minh Việt Nam 2024’ tiếp tục thuộc về TP Đà Nẵng. Địa phương này còn được vinh danh ở 3 hạng mục thành phần: Thành phố điều hành, quản lý thông minh; thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch.

Không chỉ dẫn đầu trong việc quản lý và điều hành thông minh, Đà Nẵng hiện có tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến toàn trình là 65%, gấp gần 4 lần tỷ lệ trung bình của các địa phương; là hình mẫu trong quản lý môi trường thông minh với 36 trạm quan trắc kết nối trực tiếp đến thiết bị di động. Địa phương này còn là một điểm đến hấp dẫn của các nhà khởi nghiệp với gần 9.000 doanh nghiệp mới thành lập chỉ trong 2 năm 2022, 2023.

Trung tâm giám sát, điều hành thành phố của Đà Nẵng cung cấp 15 nhóm dịch vụ với hơn 150 loại biểu đồ trực quan và trên 50 loại cảnh báo, dự báo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố. Ảnh: Hồ Giáp

Trung tâm giám sát, điều hành thành phố của Đà Nẵng cung cấp 15 nhóm dịch vụ với hơn 150 loại biểu đồ trực quan và trên 50 loại cảnh báo, dự báo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố. Ảnh: Hồ Giáp

Cùng với Đà Nẵng, còn có 5 thành phố khác cũng được vinh danh ở khối quản lý đô thị. Trong đó, Hà Nội được ghi nhận về nỗ lực đổi mới dịch vụ công và hạ tầng thông minh với các danh hiệu ‘Thành phố Dịch vụ công thông minh’, ‘Thành phố Hạ tầng thông minh’.

Hà Nội đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động toàn thành phố, đạt 99,99%. Mạng di động 4G và hạ tầng cáp quang đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn; tỷ lệ điện thoại thông minh đạt 90%; số thuê bao di động là băng rộng đạt 121%. Về 5G, dự kiến hết năm 2024 các doanh nghiệp sẽ lắp đặt khoảng 2.000 trạm 5G tại Hà Nội.

TP HCM, Thủ Đức và Tây Ninh cùng được vinh danh ở hạng mục ‘Thành phố Điều hành, quản lý thông minh’. Theo đại diện VINASA, đây là những thành phố đang không ngừng mở rộng hệ sinh thái đô thị thông minh, khuyến khích và đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, phục vụ mọi mặt đời sống cho hơn 11 triệu dân cư.

Lần đầu tham gia giải thưởng ‘Thành phố thông minh Việt Nam’, TP Cao Lãnh được vinh danh ở hạng mục ‘Thành phố Giáo dục thông minh’. Kết quả này có được là nhờ Cao Lãnh đã triển khai thành công nền tảng quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số tới 100% cơ sở giáo dục; trên 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; hơn 80% cuộc họp của Phòng GD&ĐT với các cơ sở giáo dục được tổ chức theo hình thức hội nghị trực tuyến.

Vân Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-noi-da-nang-tphcm-tay-ninh-nhan-giai-thanh-pho-thong-minh-viet-nam-2024-2348207.html