Đà Nẵng: Lan tỏa hiệu quả Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'
Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' tại Đà Nẵng đi vào thực chất khi người tiêu dùng thành phố ưu tiên lựa chọn hàng Việt trong đời sống.
Sáng 19/12, tại TP. Đà Nẵng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” năm 2023.
Lan tỏa hiệu quả Cuộc vận động đến mọi tầng lớp nhân dân
Thông tin tại Hội nghị, bà Trần Thị Mẫn – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đà Nẵng cho biết, trong năm, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã triển khai hiệu quả, lan tỏa Cuộc vận động đến mọi tầng lớp nhân dân.
Cụ thể, về tuyên truyền, Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng tuyên truyền, ký cam kết với 1.140 đơn vị kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về niêm yết giá hàng hóa, bán theo giá niêm yết, không kinh doanh hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sử hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ…; Sở Công Thương Đà Nẵng xây dựng ấn phẩm và video giới thiệu các sản phẩm thành phố năm 2023, hỗ trợ thiết kế và in ấn nhãn mác cho 5 doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP…; Liên đoàn Lao động tổ chức 40 buổi giới thiệu về các sản phẩm Việt Nam với hơn 7.900 người tham dự, tổ chức tôn vinh 46 doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống người lao động, trong đó, nhiều doanh nghiệp khẳng định được thương hiệu hàng Việt trên thị trường quốc tế…
Về công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, trong năm 2023, Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức thành công 3 hội chợ thương mại tổng hợp. Trong các hội chợ đều có gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Đà Nẵng; tổ chức 2 chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng Đà Nẵng; tổ chức 2 phiên chợ đưa hàng về các xã miền núi huyện Hòa Vang. Để lan tỏa hàng Việt, Sở đã xây dựng, khai trương điểm bán hàng OCOP, hàng Việt tại chợ Hàn; duy trì tốt quầy hàng Việt tại chợ Cồn; kết nối các sản phẩm hàng Việt, hàng OCOP vào các điểm bán OCOP tại các siêu thị, điểm trưng bày hàng Việt.
Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức 203 lượt trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hàng Việt, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, truyền thống…
Các cấp hội khác như: Hội Nông dân thành phố, Hội Phụ nữ, Liên minh hợp tác xã thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại hàng Việt.
Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, Sở Công Thương Đà Nẵng đã hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho 3 cơ sở, tư vấn thiết kế bao bì cho 3 cơ sở, đánh giá sản xuất sạch hơn cho 3 cơ sở, hỗ trợ máy móc thiết bị cho 16 đơn vị. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ chứng nhận VietGap, ISO, HACCP, thiết kế bao bì, bộ nhận diện thương hiệu, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc…. cho 35 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã.
Về công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thị thường, năm 2023, Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng phát hiện, xử lý 1.293 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 4,23 tỷ đồng. Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng xử lý 253 trường hợp vi phạm, nộp ngân sách hơn 757 triệu đồng.
Người tiêu dùng quan tâm ưu tiên cho hàng Việt
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tích cực lan tỏa hàng Việt, đưa việc tiêu dùng hàng Việt thành thói quen, ưu tiên lựa chọn của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Cuộc vận động vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Đối tượng được tham gia chương trình khuyến công còn hạn chế, các đơn vị này sản xuất nhỏ lẻ, khả năng cạnh tranh thấp; công tác triển khai đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp còn chậm; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế do kinh phí có hạn, định mức tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài thấp; việc đưa hàng hóa vào siêu thị, chuỗi cửa hàng còn khó khi đa số các đơn vị chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn…
Để triển khai hiệu quả hơn nữa Cuộc vận động, đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, ngoài sự nỗ lực của Sở và sự phối hợp với các đơn vị trong Ban Chỉ đạo, cần có sự ưu tiên từ UBND thành phố bố trí kinh phí để triển khai các chương trình, chính sách, đề án hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, đề nghị các quận, huyện tập trung hoàn thành đầu tư, xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp để kịp thời bố trí mặt bằng cho các cơ sở sản xuất. Ngoài ra, đề nghị các Sở, ngành tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới công nghệ; xây dựng hồ sơ công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc để các sản phẩm có chất lượng của thành phố có đủ điều kiện thâm nhập vào hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị lớn và xuất khẩu.
Theo ông Ngô Xuân Thắng – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Đà Nẵng, trong thời gian qua, việc triển khai Cuộc vận động đã đi vào thực chất, hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các Sở, ngành, mặt trận đoàn thể các cấp; và sự hưởng ứng tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố.
Đến nay, toàn thành phố có gần 100 sản phẩm đặc trưng là sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thương mại đặc trưng. Nhiều sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, xuất khẩu, nhiều sản phẩm đã được lãnh đạo thành phố chọn làm quà tặng trong các buổi làm việc, chuyến công tác.
“Đáng chú ý, người tiêu dùng Đà Nẵng đã quan tâm hơn, ưu tiên lựa chọn tiêu dùng hàng Việt. Điều này có được nhờ các cơ sở sản xuất ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm còn quan tâm thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; giá cả hợp lý...”, ông Ngô Xuân Thắng nói và cho biết, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động sẽ có kế hoạch liên tịch truyền thông; đề xuất chính sách riêng để lan tỏa Cuộc vận động cũng như chú trọng đầu tư hơn nữa khâu quảng bá, xúc tiến thương mại đưa sản phẩm hàng Việt Nam nói chung, sản phẩm OCOP Đà Nẵng nói riêng vươn ra thế giới.