Đã nâng ly, xin đừng cầm lái!
Là nam hay nữ đều có quyền được uống rượu, bia. Nhưng đã uống thì nhất quyết không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, để không mang đến những nỗi đau, mất mát chẳng bao giờ có thể khỏa lấp...
Vào hồi 1h40’ ngày 14/1/2024, tại Km 522+100 quốc lộ 1 đoạn thuộc địa phận thôn 7, xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô con mang BKS 38A-516.xx và xe tải mang BKS 78C-037.xx khiến 1 người tử vong. Vào thời điểm đó, ô tô con do Phan Thị Ngọc Minh (SN 2001, trú tại xã Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên) điều khiển lưu thông theo hướng Bắc - Nam, khi đến địa điểm trên thì va chạm với ô tô tải mang BKS 78C-037.xx bị sự cố, đã tấp vào lề đường. Tài xế Lê Ngọc Q. (SN 1990, trú tại xã Hòa Thành, TX Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đang xuống kiểm tra xe tải thì bị xe con đâm trúng phía sau, dẫn đến tử vong.
Vụ việc trên sẽ chẳng có gì để dư luận đặc biệt quan tâm, bàn luận nhiều nếu như đó là một vụ tai nạn giao thông bình thường - những rủi ro bất ngờ, không ai mong muốn. Điều đáng nói trong câu chuyện này là kết quả kiểm tra nồng độ cồn với nữ tài xế ô tô con: 0,385mg/1 lít khí thở.
Tai nạn do điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia là hiểm họa được báo trước. Vấn đề này cũng được các cấp, ngành, đoàn thể, giới chuyên môn tuyên truyền, cảnh báo thường xuyên ở mọi lúc, mọi nơi. Cùng đó, gần đây, các cơ quan chức năng rất quyết liệt trong ra quân xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Sử dụng rượu, bia, sau đó điều khiển phương tiện giao thông dẫn đến tai nạn không chỉ gây ra hiểm họa cho bản thân, người khác mà còn để lại những nỗi đau, mất mát chẳng bao giờ có thể khỏa lấp... Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia vẫn diễn ra. Thậm chí, nhiều người sau khi “quá chén” vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông rồi tìm mọi cách để tránh chốt đo nồng độ trong khi hiện có nhiều dịch vụ để đảm bảo an toàn như đi taxi hay “nhờ lái xe hộ”...
Nữ tài xế trong vụ tai nạn trên tuổi đời còn quá trẻ nhưng với hành vi vi phạm và hậu quả gây ra (đã bị khởi tố bị can), cô sẽ phải đối diện với mức chế tài rất nghiêm khắc của pháp luật. Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” thì “Người nào tham gia giao thông mà gây hậu quả chết người trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm”.
Từ vụ việc trên thêm một lần cảnh báo mọi người cần nghiêm túc thay đổi những thói quen xấu và hình thành ý thức tự giác cao nhất trong chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng và cho cả chính mình. Hãy tự nhắc nhau: đừng để vui quá mà gây ra họa...
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ban-doc-viet/da-nang-ly-xin-dung-cam-lai/260570.htm