Đà Nẵng mở rộng năng lực phục vụ thị trường khách Trung Đông, CIS và du khách theo đạo Hồi

Trong bối cảnh TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sẽ hợp nhất, việc mở rộng, nâng cao năng lực phục vụ khách du lịch - đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Trung Đông, các quốc gia CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập) và du khách theo đạo Hồi - đang được chính quyền và doanh nghiệp du lịch chú trọng triển khai.

Tận dụng thế mạnh về tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ cùng định hướng phát triển bền vững, Đà Nẵng đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ và cơ sở vật chất phù hợp với nhu cầu và văn hóa đặc trưng của các nhóm khách quốc tế đa dạng.

Hạ tầng du lịch đồng bộ, chuẩn bị kỹ lưỡng đón làn sóng khách mới

Theo Sở VHTTDL TP Đà Nẵng, tính đến tháng 5.2025, thành phố có khoảng 1.290 cơ sở lưu trú du lịch với 46.456 phòng, trong đó 111 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4-5 sao và tương đương (71 cơ sở đã được xếp hạng chính thức). Nhiều khách sạn cao cấp mang thương hiệu quốc tế như InterContinental, Hyatt, Sheraton, Marriott…đang hoạt động, do các tập đoàn khách sạn hàng đầu như IHG, Accor, Hilton quản lý.

Đối với dịch vụ lữ hành, thành phố có 563 đơn vị hoạt động, gồm 343 công ty lữ hành quốc tế. Hiện nhiều công ty chuyên đón khách CIS (từ Khánh Hòa và Hà Nội) đã mở văn phòng đại diện tại Đà Nẵng, như Crystal Bay, Anex, Rusta, Fun & Sun, Amega, Selfie Travel Vietnam. Hơn 6.400 hướng dẫn viên du lịch, trong đó hơn 4.600 hướng dẫn viên quốc tế (75 người sử dụng tiếng Anh), tạo nguồn nhân lực dồi dào, sẵn sàng phục vụ du khách quốc tế.

Ngoài ra, thành phố còn có 16 khu, điểm du lịch, với những địa danh nổi bật như Sun World Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài hay Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Đối với vận tải, có hơn 1.600 xe du lịch từ 600 đơn vị chuyên vận chuyển, đảm bảo việc đi lại thuận tiện.

Tính đến tháng 5.2025, TP Đà Nẵng có khoảng 1.290 cơ sở lưu trú du lịch với 46.456 phòng, trong đó 111 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4-5 sao và tương đương

Tính đến tháng 5.2025, TP Đà Nẵng có khoảng 1.290 cơ sở lưu trú du lịch với 46.456 phòng, trong đó 111 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4-5 sao và tương đương

Về trải nghiệm đặc thù như du lịch golf - sản phẩm yêu thích của du khách Trung Đông - Đà Nẵng hiện có 3 sân golf tiêu chuẩn quốc tế, ghi nhận hơn 171.200 lượt chơi trong năm 2024, tăng mạnh so với năm trước.

Hệ thống ẩm thực cũng đang được chuẩn bị để phục vụ tốt hơn thị trường khách Hồi giáo. Trên toàn thành phố có hơn 30 nhà hàng, quán ăn phục vụ đồ Halal, Ấn Độ, hoặc thực đơn phù hợp với thực khách đạo Hồi. Một số địa điểm đã được cấp chứng nhận Halal như nhà hàng của Sun World Ba Na Hills, Halal Indrapura…Bên cạnh đó, hơn 20 cơ sở chuyên ẩm thực chay (vegan, vegetarian) cũng đang được đánh giá cao bởi du khách quốc tế.

Định hướng thân thiện với khách Hồi giáo và tăng khả năng tiếp cận thị trường tiềm năng

Sự mở rộng về hành chính - hợp nhất Đà Nẵng và Quảng Nam - không chỉ tăng thêm quy mô hạ tầng (2 sân bay quốc tế, 3 cảng biển, 3 di sản UNESCO…) mà còn tạo cơ hội hình thành một hệ sinh thái du lịch trọn gói, kết hợp thế mạnh nghỉ dưỡng biển và văn hóa lịch sử. Trong đó, việc chuẩn hóa các dịch vụ, cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn Halal là bước đi chiến lược nhằm tiếp cận thị trường khách Hồi giáo đầy tiềm năng.

Theo TCVN 14230:2024 - tiêu chuẩn quốc gia về dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo, các cơ sở lưu trú đang được khuyến nghị điều chỉnh như sau:

Tại buồng ngủ: Không để đồ uống có cồn, đảm bảo vệ sinh, có hướng kiblat rõ ràng, bản sao Kinh Qu'ran, thảm lễ nguyện.

Tại khu vực bếp - nhà hàng: Cần có khu bếp được chứng nhận Halal; trong tháng Ramadan, cung cấp dịch vụ ăn uống đặc thù như sahur và iftar.

Tại các khu vực công cộng: Bố trí nơi lễ nguyện riêng cho nam - nữ, có thiết bị thanh tẩy (wudhu’), thông gió tốt, cung cấp trang phục lễ nguyện nếu khách yêu cầu.

Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cũng được khuyến nghị như: Tập huấn nhân viên: Nâng cao nhận thức về văn hóa Hồi giáo, từ giao tiếp (chào hỏi bằng tay phải, tránh bắt tay phụ nữ…) đến thói quen sinh hoạt (cầu nguyện 5 lần/ngày, ăn chay trong tháng Ramadan). Sử dụng đa ngôn ngữ: In ấn thông tin, bảng hiệu, tài liệu bằng tiếng Ả Rập, Nga…

Chuẩn bị cơ sở vật chất phù hợp: Đầu tư nhà vệ sinh hiện đại, khu rửa tay sạch sẽ tại nhà hàng, khách sạn. Chú trọng thực phẩm Halal: Áp dụng TCVN 12944:2020 để đảm bảo quy trình chế biến, nguyên liệu, bảo quản đều đạt chuẩn. Cần phối hợp với các đơn vị tư vấn uy tín để được hướng dẫn thiết kế bếp, tuyển chọn đầu bếp và đào tạo nhân viên theo đúng quy định.

Một số lưu ý đặc trưng trong tiếp xúc với du khách Trung Đông, CIS cũng được khuyến khích áp dụng: nên tặng quà như nước hoa, kẹo, chà là; tránh gây áp lực trong đàm phán; chuẩn bị giờ giấc linh hoạt và tôn trọng văn hóa hẹn gặp của họ.

Một số nhà hàng đã có chứng nhận Halal như nhà hàng của Sun World Bana Hills, Halal Indrapura...

Một số nhà hàng đã có chứng nhận Halal như nhà hàng của Sun World Bana Hills, Halal Indrapura...

Hướng đến một điểm đến đa dạng - thân thiện - chuyên nghiệp

Với định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng (mới) trở thành trung tâm du lịch quốc tế của khu vực, các hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ đang được triển khai mạnh mẽ, đi đôi với việc nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm từng thị trường mục tiêu.

Việc khai thác hiệu quả nhóm khách đến từ Trung Đông, các nước CIS và cộng đồng Hồi giáo toàn cầu không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng cho ngành du lịch mà còn góp phần thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, tăng cường vị thế của Đà Nẵng trên bản đồ du lịch quốc tế.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong khu vực, những bước đi bài bản và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng, con người và chính sách đang giúp Đà Nẵng tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành điểm đến thân thiện, đa dạng và hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á.

ĐỨC HOÀNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/da-nang-mo-rong-nang-luc-phuc-vu-thi-truong-khach-trung-dong-cis-va-du-khach-theo-dao-hoi-137701.html