Đổi thay trên bản người Mông
Vượt quãng đường 70km đồi núi quanh co từ trung tâm xã Liêng Srôhn, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đặt chân đến Tiểu khu 179 vào một buổi trưa hè rộn rã tiếng cười trẻ thơ.
Những đứa trẻ vừa nghỉ hè, vừa trông nhà, vừa chơi đùa, tạo nên khung cảnh yên bình hiếm có. Bên hiên một ngôi nhà, người phụ nữ trẻ đang vui đùa cùng em bé chừng 3 tháng tuổi. “Năm ngoái cà phê được mùa, được giá, nhà tôi khấm khá hơn nhiều,” chị cười rạng rỡ.

Người phụ nữ trẻ vui đùa cùng con bên hiên nhà
Thách thức giấy tờ và hành trình xác minh đầy gian nan
Điểm đặc biệt của Tiểu khu 179 là nơi đây có 100% bà con dân tộc Mông sinh sống. Nhiều năm trước đây, nhiều gia đình người Mông di cư tự do từ một số tỉnh miền núi phía Bắc vào Liêng Srôhn, tạo thành các khu dân cư như tiểu khu 178, 179.
Điều khó khăn đối với cộng đồng người Mông nơi đây và cũng là khó khăn cho chính quyền sở tại, là nhiều người trong số họ không có giấy tờ tùy thân.
Trong hành trình di cư tự do qua nhiều vùng đất của nhiều tỉnh, đối với không ít người, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hay bất kỳ tài liệu nào chứng minh danh tính đều bị lãng quên hoặc hư hỏng vì điều kiện sống khắc nghiệt.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho người dân trong việc thực hiện các quyền lợi cơ bản, mà còn đặt ra thách thức lớn cho chính quyền địa phương trong quản lí dân cư. Những năm trước, không có giấy tờ tùy thân, người dân không thực hiện được một số thủ tục hành chính, thậm chí việc đăng ký xe máy hay các giao dịch pháp lý khác cũng trở thành “giấc mơ xa vời”.
Đại úy Trần Văn Hà, Trưởng Công an xã Liêng Srôhn cho biết, để những người dân nơi đây có được tấm thẻ căn cước công dân, chính quyền địa phương, mà cụ thể là lực lượng công an các cấp đã phải mất không ít thời gian, công sức.

Đại úy Trần Văn Hà trao đổi với người dân về tình hình ANTT trên địa bàn
Đối với những người dân còn nhớ quê quán, đặc biệt còn người thân ở quê gốc, thì việc xác minh nhân thân thuận lợi hơn rất nhiều. Cơ quan công an sở tại đã phải thực hiện trao đổi thông tin hai chiều với cơ quan công an nơi quê gốc của người dân để xác minh nhân thân cho từng người, trên cơ sở đó cấp CCCD.
Nhưng đối với những người dân không còn chút giấy tờ tùy thân nào, đó là một thách thức không nhỏ, thời gian xác minh kéo dài hàng tháng, thậm chí cả năm, do phải liên hệ, trao đổi thông tin với nhiều địa phương, nơi người dân đã từng sinh sống. Trong đó, có những người không còn nhớ quê gốc và đã di cư qua nhiều nơi.
Nhưng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, của lực lượng công an, hiện hầu hết người dân ở Tiểu khu 179 đã được cấp CCCD. 4-5 trường hợp do không có giấy tờ tùy thân, không xác minh được nơi cư trú cũ, không có quan hệ nhân thân rõ ràng đang được cơ quan công an tích cực xác minh.
Chủ tịch UBND xã Liêng Srôhn, ông Phạm Văn Diên cho biết, UBND xã đang tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép giải quyết linh hoạt các trường hợp khó khăn về hồ sơ nhân thân. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ quyền lợi của việc đăng ký cư trú, đồng thời phối hợp tốt với chính quyền. bên cạnh đó là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân cư, cập nhật kịp thời dữ liệu.
Thượng tá Lê Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đối với các trường hợp chưa được cấp căn cước công dân do không có giấy tờ tùy thân, không nhớ chính xác thông tin nhân thân, di cư qua rất nhiều địa bàn, trong thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp với công an các đơn vị địa phương cũng như các cục nghiệp vụ khẩn trương rà soát, xác minh, thu thập thông tin, đảm bảo trong thời gian tới 100% người dân di cư tự do trên địa bàn đủ điều kiện sẽ được cấp CCCD để thực hiện tốt quyền công dân.

Thượng tá Lê Thanh Sơn cho biết, lực lượng công an đang cố gắng để 100% người dân di cư tự do được cấp CCCD
Từ hành trình di cư đến an cư
Trò chuyện với chúng tôi, anh Sùng A Tính, cư trú tại Tiểu khu 179 phấn khởi vì năm vừa rồi, gia đình anh đã thu hoạch được 18 tấn cà phê, thu về 2 tỷ bạc. Anh Tính cho biết, ngôi nhà khang trang mới khánh thành cách đây mấy tháng, xây hết hơn 1 tỉ, chiếc xe ô tô mới tậu chưa lắp biển số có giá gần 700 triệu đồng là những tài sản có giá trị được “tậu” từ mùa cà phê bội thu.
Trong chiếc sân rộng lớn, còn có không ít nông cụ, tài sản có giá trị mà không phải gia đình nào cùng sắm được như máy xát vỏ cà phê, máy phát điện. Còn bên ngoài cổng là chiếc xe tải cỡ lớn có sơn tên chủ nhân và số điện thoại, chuyên chở cà phê, phân bón,…
Rồi anh kể về hành trình di cư từ Bắc vào Nam cách đây hai chục năm, từ Hà Giang, qua Điện Biên, vào Đăk Nông, rồi sang Lâm Đồng. Đó là một hành trình dài mà khi rời quê hương, anh cũng chưa xác định được điểm đến. Nhưng giờ khu dân cư mang tên Tiểu khu 179 đã trở thành điểm đến cuối cùng trong hành trình tìm miền đất mới của gia đình anh.
Không chỉ anh Tính, mà nhiều hộ dân ở Tiểu khu đều có đời sống ổn định và khá giả. Các anh Sùng A Tủa, Thào Ngọc Hà, Hảng Trạnh Hòa và nhiều hộ dân đến từ các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu đều coi nơi đây là quê hương, là điểm đến cuối cùng.

Người dân tiểu khu 179 đã có điểm sinh hoạt tôn giáo khang trang
Bà con dân tộc Mông ở tiểu khu 179 bây giờ không chỉ có đời sống kinh tế khá giả, mà còn có điểm sinh hoạt tôn giáo rất khang trang.
Anh Hảng Trạnh Hòa, Thư ký hội thánh Tin lành của điểm nhóm căn cứ tiểu khu 179 phấn khởi cho biết, hằng tuần vào sáng chủ nhật, 700 tín đồ theo đạo tin lành nơi đây đều đến điểm sinh hoạt tôn giáo. Chính quyền địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để bà con được tự do sinh hoạt tôn giáo.
Anh Thào Ngọc Hà, Tổ phó tổ tự quản về ANTT Tiểu khu 179 cho biết, người Mông luôn sống đoàn kết, yêu thương nhau, không xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, nghe lời xúi giục, lôi kéo của kẻ xấu.
Hiện 100% người dân Tiểu khu 179 đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tại Tiểu khu đã có điểm trường và trẻ em trong Tiểu khu đều được đến trường. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Sùng A Tủa “khoe”, trong Tiểu khu của anh đã có một cháu đi du học Nhật Bản, 5 hộ gia đình đã mua ô tô, tiền mua phân bón cho cà phê cũng không còn ai nợ nần các công ty cung ứng. Tôi nhìn thấy niềm vui lấp lấp trong ánh mắt của anh.

Những rẫy cà phê sai trĩu quả đang là nguồn thu nhập lớn cho người dân
Rời khu dân cư xinh đẹp có tên Tiểu khu 179 với những rẫy cà phê tươi tốt, những ngôi nhà khang trang đang dần mọc lên, chúng tôi thấy niềm vui trên gương mặt những người dân nơi đây. Niềm vui của những người Mông đã “an cư lạc nghiệp”, niềm vui của những vụ mùa bội thu, kinh tế khá giả, đời sống tinh thần an vui.
Chúng tôi tin rằng, đây chính là quê hương cuối cùng của những người như anh Sùng A Tính, Thào Ngọc Hà, Hảng Trạnh Hòa,… và lớp cháu con của họ không còn di cư tự do.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/doi-thay-tren-ban-nguoi-mong-138298.html