Đà Nẵng: Năm 2024, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, kinh tế TP năm 2024 ghi nhận những tín hiệu lạc quan ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên số doanh nghiệp (DN) hoạt động kém hiệu quả xin tạm ngừng và DN rút lui khỏi thị trường vẫn không ngừng tăng lên.

Doanh nghiệp mới gia nhập thị trường giảm

Tại cuộc họp báo ngày 3/1/2025 công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội TP năm 2024, Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường vẫn tăng gần 4% so với cùng kỳ (4.349 DN năm 2024 so với 4.185 DN của năm 2023). Từ đầu năm đến nay TP đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 734 DN, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3/1/2025.

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3/1/2025.

Ngược lại, số DN mới gia nhập thị trường trong năm 2024 có xu hướng giảm so với cùng kỳ 2023. Tính đến ngày 24/12, TP Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 4.051 DN với tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 16.000 tỷ đồng; giảm 8% về số DN và giảm hơn 27% về số vốn so với cùng kỳ 2023. Số DN quay trở lại hoạt động cũng giảm nhẹ 0,6% so cùng kỳ 2023 (1.770 DN năm 2024 so với 1.781 DN năm 2023).

Theo Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ, kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo TP cho thấy có hơn 35% DN đánh giá tình hình quý IV/2024 tốt hơn; hơn 35% DN đánh giá khó khăn hơn quý trước; gần 30% DN cho biết hoạt động cơ bản ổn định.

Đặc biệt, khu vực ngoài quốc doanh, nơi tập trung lượng lớn cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động thì chỉ có gần 23% DN ngành chế biến chế tạo cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2024 tốt hơn quý trước; gần 32% đánh giá mức ổn định và có đến 45,45% đánh giá tình hình kinh doanh gặp khó khăn hơn.

Dự báo về quý I/2025 so với quý IV/2024, có hơn 35% DN ngành chế biến, chế tạo Đà Nẵng đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; gần 30% DN cho rằng sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn và hơn 35 DN cho rằng tình hình giữa hai quý không biến động. Có hơn 34% DN ngoài quốc doanh đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Đối với DN ngành xây dựng, có hơn 59% đánh giá sản xuất kinh doanh quý IV/2024 thuận lợi và ổn định so với quý trước. Tuy nhiên số DN cho biết hoạt động khó khăn hơn quý trước vẫn chiếm tỷ lệ khá cao (40,7%) do số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp dùng trong xây dựng, chi phí nhân công có xu hướng tăng, DN khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi...

Dự báo về tình hình quý I/2025 so với quý IV/2024, chỉ có hơn 19% DN ngành xây dựng Đà Nẵng nhận định sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn; gần 36% cho rằng sẽ ổn định và có tới gần 45% nhận định sẽ khó khăn hơn.

Kiến nghị tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Trước tình hình trên, ông Trần Văn Vũ cho biết Cục Thống kê Đà Nẵng kiến nghị chính quyền TP tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ DN thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ, điện tử và linh kiện điện tử...

Hỗ trợ có hiệu quả cho DN tham gia các chương trình xúc tiến xuất khẩu; đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ DN quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; thúc đẩy tiêu dùng trong nước; kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra.

“Chúng tôi cũng kiến nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các phương tiện và bến, cảng có quy mô lớn, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất, nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn”, ông Trần Văn Vũ cho biết.

Cùng với đó, Cục Thống kê Đà Nẵng kiến nghị TP tiếp tục thực hiện hỗ trợ có hiệu quả công tác khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch; hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho các DN trên địa bàn; hỗ trợ DN tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm thị trường xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm.

Khuyến khích, hỗ trợ DN tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu trong nước; tham gia, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nội địa nhằm đa dạng hóa nguồn cung. Đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, tạo được sự ổn định sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Đồng thời Cục Thống kê Đà Nẵng đề nghị TP kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng bảo đảm đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với diễn biến, nhu cầu của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng phát triển tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nhan/da-nang-nam-2024-doanh-nghiep-rut-lui-khoi-thi-truong-van-tang/20250103112748045