Đà Nẵng: Nâng cao văn hóa giao thông từ những 'đại sứ sau tay lái'
Trong nhịp sống đô thị năng động và hiện đại như Đà Nẵng - thành phố du lịch trọng điểm của miền Trung, mỗi hành vi nhỏ trong giao thông đều có thể để lại ấn tượng sâu đậm với du khách. Nhận thức rõ điều đó, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã và đang triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền pháp luật, song song với công tác tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm, nhằm góp phần hình thành một văn hóa giao thông văn minh, an toàn và đầy tính nhân văn.

Lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao văn hóa giao thông cho các tài xế taxi
Phổ biến pháp luật - Gieo mầm ý thức cho người cầm lái
Ngày 10/7, Trạm Cảnh sát giao thông Thăng Bình (Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng) tổ chức buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ký cam kết chấp hành giao thông cho hơn 150 cán bộ, công nhân viên và tài xế thuộc các công ty xe điện đang hoạt động tại TP Hội An. Trong đó có các đơn vị tiêu biểu như: Công ty xe điện Hội An, Công ty xe điện HoiAngo và Công ty xe điện Phúc An.
Tại buổi làm việc, bên cạnh việc truyền đạt những quy định mới liên quan đến hoạt động vận tải hành khách bằng xe điện, lực lượng chức năng còn lồng ghép những phân tích sâu sắc về các tình huống giao thông thường gặp tại các tuyến đường du lịch, khu phố cổ - nơi có mật độ người qua lại cao, đòi hỏi kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn, ứng xử linh hoạt và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật.
Quan trọng hơn, hoạt động ký cam kết giữa doanh nghiệp và đội ngũ tài xế chính là lời hứa trách nhiệm với cộng đồng. Nội dung cam kết nhấn mạnh đến việc không phóng nhanh vượt ẩu, không dừng đỗ sai quy định, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân và du khách - những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông trong môi trường đô thị.
Cùng thời điểm, Đội Tuần tra dẫn đoàn (Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng) cũng triển khai chương trình tuyên truyền đến hơn 100 tài xế của Công ty Taxi Xanh SM - một trong những đơn vị vận tải đang góp phần xây dựng hình ảnh du lịch xanh, thân thiện tại Đà Nẵng.
Chương trình nổi bật với mô hình “3 Không, 4 Phải” - bộ quy tắc ứng xử mang tính định hướng và thực tiễn cao đối với mỗi người lái xe: 3 Không: Không sử dụng điện thoại khi lái xe; Không chở quá số người quy định; Không sử dụng rượu bia, chất kích thích, ma túy khi tham gia giao thông. 4 Phải: Phải kiểm tra kỹ thuật phương tiện trước khi vận hành; Phải chấp hành quy định tốc độ và chú ý quan sát; Phải giảm tốc độ khi đến nơi giao nhau; Phải xin đường, bật đèn xi nhan đúng cách khi chuyển hướng.
Việc triển khai mô hình này không chỉ giúp nâng cao kỹ năng chuyên môn mà còn hình thành ý thức nghề nghiệp, lối sống có trách nhiệm và thái độ đúng mực đối với người làm dịch vụ vận tải - những người hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng, đặc biệt là du khách trong và ngoài nước.

Các tài xế, đại diện chủ doanh nghiệp vận tải cam kết, hướng đến văn hóa giao thông, văn minh đô thị
Người lái xe - Đại sứ văn hóa trên mỗi cung đường
Giao thông không chỉ là dòng chảy của xe cộ, mà còn là biểu hiện của văn hóa ứng xử, là “giao diện” đầu tiên để du khách cảm nhận về một thành phố. Ở Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, mỗi người tài xế - từ taxi truyền thống đến xe điện, từ lái xe hợp đồng đến người điều hành phương tiện du lịch đều đang giữ một vai trò đặc biệt: người đại diện cho nếp sống đô thị văn minh.
Theo ghi nhận của phóng viên, các hoạt động tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức, tổ chức ký cam kết không chỉ góp phần giảm thiểu vi phạm giao thông, mà sâu xa hơn, đó là hành trình kiến tạo một môi trường giao thông an toàn, nhân văn - nơi văn hóa được thấm nhuần trong từng hành động nhỏ của người cầm lái.
Đặc biệt với ngành du lịch - “mạch sống” của thành phố biển này thì những người tài xế càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Một lời chào thân thiện, một cử chỉ lịch sự, hay đơn giản là một hành vi đúng luật - tất cả đều là những “thông điệp mềm” nhưng đầy sức nặng để quảng bá hình ảnh một Đà Nẵng mến khách, kỷ cương và nhân hậu.
Từ công tác phổ biến pháp luật đến xây dựng văn hóa giao thông, từ trách nhiệm nghề nghiệp đến ứng xử văn minh, hành trình của người lái xe tại Đà Nẵng không chỉ là hành trình vận chuyển hành khách - mà còn là hành trình chuyển tải những giá trị văn hóa và phát triển bền vững.