Đà Nẵng: Nhà dân nứt toác vì công trình cải tạo cống thoát nước
Nhà của 2 hộ dân tại quận Thanh Khê bị nứt toác nhiều vị trí vì nhà thầu công trình cải tạo cống thoát nước dùng búa rung phá vỡ các tấm đan bê tông.
Những ngày qua, người dân sống tại K478 Lê Duẩn (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) phản ánh đến cơ quan chức năng việc nhà của họ bị nứt tường do ảnh hưởng của việc thi công cống thoát nước trong hẻm này.
Tìm hiểu của PV, thời gian qua, nhà thầu Công ty cổ phần Xây dựng công trình thủy Hà Nội tiến hành thi công dự án cải tạo tuyến cống thoát nước Thanh Khê – Liên Chiểu tại đây.
Khi dùng búa rung phá dỡ các tấm đan bê tông của hệ thống cống thoát nước cũ, các nhà dân khu dân vực này rung lắc, xuất hiện nhiều vết nứt ảnh hưởng đến kết cấu, nguy cơ mất an toàn cho người dân.
Ghi nhận tại nhà ông Võ Khoa, nhiều đoạn tường ở phòng khách, bếp, nhà vệ sinh… xuất hiện các vết nứt lớn nhỏ khác nhau. Có đoạn vết nứt hở rộng 1-3 cm có thể đút lọt ngón tay khiến gia đình này vô cùng lo lắng.
“Cứ thấy công trình thi công đập phá là cả nhà rất bất an. Việc ăn ngủ, sinh hoạt cũng đảo lộn hết do lo sợ mất an toàn”, ông Khoa cho hay.
Cạnh nhà ông Khoa, bà Nguyễn Thị Lợi đang bồn chồn đứng ngồi không yên khi căn nhà của bà bắt đầu xuất hiện các vết nứt từ ngày 10-4 đến nay. Không chỉ các đoạn tường bị nứt, các đoạn chạy dọc dầm, sàn cũng nứt khiến gạch men bung lên như muốn đổ sập xuống bất kì lúc nào.
Trao đổi với PV ngày 27-4, ông Lâm Quang Hoàng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (BQL), đơn vị điều hành dự án, cho hay đã làm việc với người dân về tình trạng trên.
Theo ông Hoàng, toàn hộ công trình này đi trong kiệt hẻm rất nhỏ. Nhà thầu vừa đảm bảo giao thông, vừa đảm bảo thoát nước hiện trạng nên việc thi công gặp nhiều khó khăn.
“Kết cấu của cống hiện trạng xuống cấp. BQL đã yêu cầu nhà thầu đưa ra biện pháp thi công tốt nhất rồi. Tuy nhiên quá trình phá dỡ đan cống bằng búa rung khiến những nhà xung quanh bị nứt nẻ. BQL cũng đã biết từ đầu, hạn chế tối đa ảnh hưởng nhưng đáng tiếc là nó vẫn xảy ra”, ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cho hay, chiều 26-4, BQL cùng đại diện nhà thầu, đơn vị giám định bảo hiểm đã xuống làm việc với các hộ dân nói trên.
“Chúng tôi đề nghị tạm thời nếu chưa đảm bảo an toàn thì tính tiền cho chủ hộ thuê nhà ra ngoài ở tạm để xử lý. Nhưng các hộ nói vẫn chưa đến nỗi, nhà họ nên họ biết và thống nhất vẫn ở lại. Từ đó BQL yêu cầu bên giám định bảo hiểm sớm đưa ra phương án xử lý”, ông Hoàng cho hay.
Cũng theo ông Hoàng, từ giám định thiệt hại của bên bảo hiểm mới tính ra được số tiền đền bù. Trên cơ sở đó, BQL sẽ yêu cầu nhà thầu lấy tiền đó thực hiện khắc phục hư hỏng nhà cửa hoặc đưa cho người dân tự khắc phục.
Ngoài ra, BQL cũng sẽ yêu cầu Công ty cổ phần Xây dựng công trình thủy Hà Nội thay đổi biện pháp thi công để tránh ảnh hưởng đến những nhà còn lại trong hẻm.
Trả lời câu hỏi về quy định công trình phải dừng thi công khi ảnh hưởng đến nhà cửa của người dân như trên, ông Hoàng thừa nhận có quy định này và khẳng định nhà thầu đã dừng việc khoan phá bê tông.
“Nhưng những đoạn cống đã đào ra rồi thì nhà thầu đang thực hiện gia cố cho khỏi mùi hôi và đảm bảo việc thoát nước liên tục, hoàn thiện mặt nền đảm bảo giao thông trong hẻm thuận lợi thôi chứ tạm thời không đập phá tiếp”, ông Hoàng nói.
PLO sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.