Đà Nẵng, Ninh Thuận lên kịch bản sơ tán người dân và tàu thuyền tránh bão

Đà Nẵng đã lên kịch bản sơ tán dân tránh bão số 4 với cấp độ cao nhất. Trong khi, tỉnh Ninh Thuận đã hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn.

PV Đình Thiệu/VOV-Miền Trung đưa tin, dự kiến có khoảng 100.000 người ở TP. Đà Nẵng sơ tán tránh bão số 4 (bão Noru) trong trường hợp bão cấp độ cao nhất và có hơn 20.000 người tránh lũ trong trường hợp lũ ở các sông vượt mức báo động 3 trên 2 mét.

Tại cuộc họp Ban chỉ huy Phòng chống bão số 4 của TP. Đà Nẵng sáng 26/9, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các địa phương phải rà soát từng hộ dân, khu dân cư để kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn tránh bão, đặc biệt là địa bàn huyện Hòa Vang và các địa phương ven biển.

TP. Đà Nẵng họp Ban Chỉ huy Phòng chống bão số 4.

TP. Đà Nẵng họp Ban Chỉ huy Phòng chống bão số 4.

Đến nay, toàn bộ tàu thuyền của TP. Đà Nẵng đã vào bờ neo đậu tránh bão số 4. Các địa phương ở TP. Đà Nẵng lên phương án sơ tán dân theo từng cấp độ. Theo đó, trường hợp bão cấp 8 đến 11, thành phố sẽ đưa hơn 35.000 người đi sơ tán; bão cấp 12 đến cấp 13 sẽ có khoảng 67.000 người sơ tán và bão từ cấp 14 đến 17 sẽ sơ tán hơn 100.000 người. Việc ứng phó với lũ ở các sông trên mức báo động 3 là 1 mét sẽ sơ tán 8.700 người; lũ trên báo động 3 là 1,5 mét sẽ có khoảng 10.000 người sơ tán và trường hợp lũ trên báo động 3 là 2 mét sẽ có 20.000 người sơ tán. Huyện Hòa Vang có kế hoạch sơ tán 28.500 người dân tránh bão và ngập lụt tại 14 điểm trường học.

Dự kiến, chiều 26/9, tại các điểm trường trưng dụng làm điểm sơ tán dân, thành phố cho học sinh nghỉ học để chuẩn bị đưa dân vào tránh bão.

Lực lượng vũ trang TP. Đà Nẵng thức đêm hỗ trợ người dân chống bão số 4.

Lực lượng vũ trang TP. Đà Nẵng thức đêm hỗ trợ người dân chống bão số 4.

Dân quân địa phương ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng giúp dân chằng chống nhà cửa tránh bão.

Dân quân địa phương ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng giúp dân chằng chống nhà cửa tránh bão.

Lực lượng vũ trang và dân quân địa phương TP. Đà Nẵng hỗ trợ dân di chuyển tàu thuyền lên bờ tránh bão.

Lực lượng vũ trang và dân quân địa phương TP. Đà Nẵng hỗ trợ dân di chuyển tàu thuyền lên bờ tránh bão.

Hiện nay, Sở Công Thương thành phố cũng đã lên phương án cung ứng các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ hơn 32.250 hộ dân vùng bị ảnh hưởng bão số 4, mỗi hộ được hỗ trợ 385.000 đồng. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao ngay trong chiều 26/9, phải tiến hành tháo dỡ tất cả các biển quảng cáo trên các đường phố để đảm bảo an toàn. Công ty Công viên cây xanh thành phố phối hợp với các địa phương, đặc biệt là địa phương ven biển tập trung cắt tỉa cây xanh, có biện pháp chống ngã đổ đảm bảo an toàn giao thông thông suốt. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, huyện Hòa Vang là địa bàn trọng yếu có nguy cơ sạt lở và ngập úng. Vì vậy, tất cả các hồ chứa trên địa bàn huyện phải khẩn trương kiểm tra đánh giá, phân công người trực tại để kịp thời ứng phó khi xảy ra sự cố.

"Hòa Vang là một trong những địa bàn trọng yếu về nguy cơ sạt lở và ngập úng cần có hỗ trợ của các lực lượng. 14 điểm trường dùng để sơ tán dân, các nơi dân có khả năng ngập úng gây khó khăn về cung ứng lương thực, thực phẩm mấy ngày tới phải có phương án hỗ trợ", ông Quảng nói.

Theo PV Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM, sáng 26/9, để phòng chống bão số 4, tỉnh Ninh Thuận đã hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn.

Theo đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận đã liên lạc được 2.489 chiếc tàu cá với 15.112 lao động. Trong đó, 1.834 chiếc với hơn 10.143 lao động đang neo đậu tại các bến cảng nội tỉnh; 655 chiếc với gần 5.000 lao động đang hoạt động trên biển. Hiện lực lượng biên phòng đã thông báo, hướng dẫn cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn.

Khu vực biển Cà Ná tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Khu vực biển Cà Ná tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Riêng hơn 400 lao động trên 327 bè nuôi trồng thủy sản cũng được ngành chức năng và địa phương sơ tán về nơi an toàn, hướng dẫn việc chằng chống, giảm thiểu thiệt hại khi có tình huống xấu xảy ra.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Công ty TN MTV Khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, tổ chức trực ban 24/24 giờ, kiểm tra chặt chẽ tình hình các hồ chứa và phối hợp với UBND các huyện thực hiện quy trình vận hành hồ, đảm bảo an toàn cho công trình, người dân phía hạ du./.

Nhóm PV/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/da-nang-ninh-thuan-len-kich-ban-so-tan-nguoi-dan-va-tau-thuyen-tranh-bao-post973256.vov