Đà Nẵng: Nỗi lo thiếu hụt lao động biển

Tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, hàng trăm con thuyền tại cảng cá Thọ Quang đang phải neo đậu ven bờ, không dám ra khơi vì ngư dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 kéo dài, giá nhiên liệu tăng. Nhiều thuyền viên lựa chọn bỏ nghề, gây áp lực về thiếu hụt lao động biển địa phương…

Nỗi lo thiếu hụt lao động biển

Cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) là cảng cá lớn nhất miền Trung, với hơn 1.200 tàu thuyền nhiều kích cỡ phục vụ cho hoạt động khai thác thủy hải sản, riêng phường Nại Hiên Đông có tới 400 tàu công suất lớn, nhưng sau Tết Nguyên đán, chỉ có khoảng 60 tàu đánh cá ra khơi, nguyên nhân chủ yếu là do các chủ tàu gặp “khó khăn kép” khi vừa chịu thiệt hại nặng nề về tài chính bởi đợt dịch Covid-19 kéo dài, đồng thời sản lượng cá đánh bắt giai đoạn này đang thấp, giá nhiên liệu, vật tư tăng cao dẫn đến khó khăn khi ra khơi, không có đủ lợi nhuận để trả lương cho thuyền viên nên nhiều người lao động biển chọn cách bỏ nghề làm “thợ đụng” – tức đụng việc gì làm việc nấy.

Hàng trăm con tàu đang neo đậu tại cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng)

Hàng trăm con tàu đang neo đậu tại cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng)

Vừa lau dọn thuyền cùng chồng, chị Trần Thị Hạnh (ngư dân tại cảng cá Thọ Quang) vừa cho biết, sau dịch, tình hình tài chính của gia đình chị cũng như nhiều thuyền viên đang gặp khó, nếu mỗi lần ra biển chỉ tốn 5 triệu tiền dầu thì giờ đây lên tới 8 triệu, thu nhập người dân không cao nhưng lại vất vả, cộng thêm việc chi phí vật tư tăng khiến nhiều người nản nghề, bỏ đi làm việc khác.

“Đi biển vất vả nhưng về không có lãi, lấy sức bù công nên thuyền viên nghỉ làm hết, ra đi làm thợ hồ, thợ đụng còn nhiều tiền hơn. Tàu của tôi có 8 thuyền viên nhưng đã nghỉ mất 5 người, giờ chỉ có anh nhà và 3 người nữa ra khơi, nhưng chỉ đánh bắt gần bờ, không khả quan”, chị Hạnh than thở.

Cùng chung hoàn cảnh khó khăn khi thiếu hụt lao động, ông Huỳnh Tấn Trung (ngư dân tại cảng cá Thọ Quang) chia sẻ, trong 2 năm qua, tàu cá của ông cũng đã nằm bờ tới 7-8 tháng nên nhiều bộ phận bị hư hỏng, phải sửa chữa nên riêng cá nhân ông gặp khó về tài chính. Giờ đây, giá cả các chi phí thiết yếu để ra khơi như tiền ngư cụ, thức ăn, nước uống, đá ướp tăng cao theo giá dầu, tổng chi phí cho mỗi chuyến đi biển tăng thêm gần 30% nhưng chưa biết có thu lại được hay không.

“Mỗi tuần chúng tôi ra khơi 1 hoặc 2 lần, chủ yếu khai thác ngắn ngày chứ không dám kéo dài như trước đây vì không đủ tiền duy trì nhiên liệu. Để tiếp tục bám biển, tôi và mọi người chủ động giảm sử dụng nguyên liệu, tiết kiệm các phí sinh hoạt khi đi biển, đồng thời tự sửa chữa lưới đánh cá và ngư cụ để tiết kiệm chi phí. Dù thu nhập không được cao nhưng vẫn tạo việc làm cho mọi người, vì hầu như các thuyền viên đều đã lớn tuổi, quen nghề, giờ đi làm việc khác cũng khó”, ông Trung tâm sự.

Khó khăn về kinh tế sau dịch đang đe dọa đến các lao động biển Đà Nẵng

Khó khăn về kinh tế sau dịch đang đe dọa đến các lao động biển Đà Nẵng

Đặc thù của nghề biển là chủ tàu không trả lương theo tháng mà tính theo công, tức là tính theo từng chuyến đi biển, nên nếu như lương thấp thì thuyền viên chủ động bỏ nghề, đi làm việc khác chờ vào mùa sẽ quay lại. Cùng với đó, nghề đi biển tiềm ẩn nhiều rủi ro, lao động nặng. Trong quá trình đô thị hóa, định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, nhiều loại hình thương mại, dịch vụ du lịch, công nghiệp xây dựng, chế biến thủy sản… phát triển. Việc làm trên bờ ổn định và ít rủi ro hơn nghề đi biển đã thu hút nhiều lao động, điều này tạo sức ép lớn về hoạt động phát triển kinh tế cho ngành khai thác thủy hải sản địa phương.

Tạo điều kiện giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn

Trao đổi với PV Báo Công Thương, ông Trần Văn Thành, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà cho biết, việc thiếu lao động đã tồn tại một thời gian, chủ yếu trên các tàu khai thác hải sản xa bờ. Mỗi tàu khai thác xa bờ trung bình cần từ 8-12 lao động/chuyến biển tùy nghề, tùy công suất tàu. Tuy nhiên lao động địa phương chỉ chiếm phần ít số lao động, còn lại là lao động từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi,…

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản nhằm khuyến khích ngư dân Đà Nẵng ra khơi, bám biển

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản nhằm khuyến khích ngư dân Đà Nẵng ra khơi, bám biển

“Bên cạnh triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của trung ương và thành phố, UBND quận cũng thực hiện các hoạt động khuyến ngư, hỗ trợ ngư dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo an toàn hàng hải, phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ, hỗ trợ khó khăn khi gặp nạn trên biển…. Trong thời gian qua, UBND quận đã quan tâm đến việc hỗ trợ, hướng dẫn thành lập và hoạt động của các tổ đoàn kết trên biển, trong đó có khuyến nghị các chủ tàu xây dựng quỹ của tổ, thực hiện các biện pháp chăm lo người lao động như hỗ trợ nhau về lao động, thăm hỏi lúc ốm đau, tặng quà Tết… cho người lao động”, ông Thành thông tin thêm.

Cũng theo ông Thành, hiện UBND quận Sơn Trà đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu để có thêm giải pháp hữu hiệu tháo gỡ khó khăn về lao động cho ngư dân.

Đức Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-noi-lo-thieu-hut-lao-dong-bien-173915.html