Một số biện pháp chăm sóc, bảo vệ thủy sản sau mưa lũ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương hướng dẫn bà con một số biện pháp chăm sóc, bảo vệ thủy sản sau mưa lũ.

Người nuôi cá xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) thu gom cá chết sau bão

Người nuôi cá xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) thu gom cá chết sau bão

Theo nhiều hộ nuôi thủy sản ở các huyện Kim Thành, Tứ Kỳ, Gia Lộc... hiện nay có tình trạng cá nuôi trong ao nổi đầu và chết rải rác sau bão. Cá chết chủ yếu là một số loại cá truyền thống như trắm, chép, trôi... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn bà con cách xử lý như sau:

Đối với thủy sản nuôi trong ao

- Kiểm tra, gia cố lại bờ ao bảo đảm chắc chắn; nạo vét, khơi thông cống, rãnh, kênh mương bảo đảm thoát nước.

- Thu gom, xử lý rác, thủy sản chết (nếu có) và các chất thải khác trong khu vực nuôi.

- Xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh.

- Khi mưa lớn kéo dài, pH bị giảm đột ngột nên rải vôi xung quanh bờ ao (khoảng 10kg/100 m2 ); kết hợp bón vôi cho ao, hồ nuôi để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao với lượng vôi bón 0,7- 1kg/100m3 nước.

- Khi ngừng mưa, nhiệt độ trong nước tăng lên, các chất hữu cơ phân hủy dễ làm thủy sản bị ngộ độc, cần sử dụng các sản phẩm như Yucca, Zeolite… để giải phóng khí độc trong ao nuôi. Sử dụng các hóa chất như Iodine.… để diệt khuẩn trong ao nuôi, sau đó sử dụng men vi sinh để cải thiện môi trường.

- Chủ động các thiết bị, hóa chất để tăng cường oxy hòa tan trong nước.

- Kiểm tra, bảo quản tốt thức ăn cho thủy sản nuôi, tránh bị ẩm mốc. Cho cá ăn thức ăn bảo đảm chất lượng, bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng, phòng bệnh cho thủy sản nuôi.

Đối với cá nuôi lồng bè

Tăng cường sục khí để tăng lượng oxy cho ao cá

Tăng cường sục khí để tăng lượng oxy cho ao cá

- Kiểm tra lồng bè để kịp thời sửa chữa, khắc phục các bộ phận bị hư hỏng tránh thất thoát thủy sản nuôi. Vệ sinh hệ thống dây neo, phao lồng, lưới.

- Kiểm tra nơi đặt lồng bè nuôi, bảo đảm nằm trong ngưỡng cho phép. Sau khi hết lũ, điều chỉnh lại vị trí lồng, bè về vị trí an toàn, phù hợp với điều kiện nuôi và tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan.

- Thường xuyên kiểm tra môi trường nước khu vực nuôi và sức khỏe của thủy sản. Đo các chỉ số môi trường như pH, độ kiềm, hàm lượng oxy hòa tan, khí độc để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Giảm lượng thức ăn để tránh gây ô nhiễm môi trường nước. Sử dụng thức ăn bảo đảm chất lượng và bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi.

Phòng tránh một số bệnh thường gặp

- Bệnh trùng bánh xe thường tấn công vào da và mang cá sau mưa lũ. Để trị bệnh, có thể tắm cá bằng nước muối NaCl 2-3% trong 5-15 phút hoặc dùng CuSO4 phun trực tiếp xuống ao, lồng, bè.

- Bệnh rận cá gây ngứa và khiến cá bị stress. Dùng Iodine với liều lượng 2g/m³ nước để tắm cho cá liên tục 3-5 ngày, đồng thời bổ sung kháng sinh Oxytetracycline vào thức ăn cho cá trong 5-7 ngày.

- Bệnh đốm đỏ do vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra, thường làm cá bị lở loét da và bơi lờ đờ. Người nuôi có thể sử dụng Formol để tắm cho cá và kết hợp bổ sung vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/mot-so-bien-phap-cham-soc-bao-ve-thuy-san-sau-mua-lu-393431.html