Cơn bão số 13 đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền khu vực Trung Trung bộ. Lúc 12h ngày 14/11, bão số 13 cách Đà Nẵng khoảng 244 km, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 13 (135-150 km/h), giật cấp 16. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây với tốc độ khoảng 20 km/h.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cho biết các quận, huyện trên địa bàn đã lên kế hoạch sơ tán gần 92.631 người dân.
Trong buổi sáng ngày 14/11, các lực lượng chức năng, đơn vị liên quan tập trung vận động, tuyên truyền và di dời người dân tại những nhà xuống cấp, khu nhà trọ mái tôn, khu vực sạt lở… đến nơi an toàn tránh bão, trong đó ưu tiên sơ tán tại chỗ, từ nhà không kiên cố qua nhà kiên cố an toàn gần nhất.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cho biết các quận, huyện trên địa bàn đã lên kế hoạch sơ tán gần 92.631 người dân.
Quận Liên Chiểu tiến hành sơ tán 59.192 người, trong đó có nhiều công nhân, sinh viên đang thuê ở trọ trong những căn phòng không bảo đảm an toàn.
Huyện Hòa Vang tiến hành sơ tán 13.859 người, trong đó có 1.208 người dân ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét tại các xã Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Bắc.
Tại phường An Khê (quận Thanh Khê), từ sáng, lực lượng phản ứng nhanh của phường gồm công an, cán bộ phường, dân phòng, đoàn thanh niên đã có mặt tại các gia đình người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiến cố, nhà tạm nhanh chóng di dời trước 11h trưa cùng ngày. Phường cũng đã lập danh sách và thông báo cho các hộ từ trước.
Trong đó, sơ tán tập trung 113 hộ, 532 nhân khẩu tại ba điểm Trường mầm non Hồng Đào, hội trường khu vực Tân An và An Xuân; còn 130 hộ, 520 nhân khẩu thực hiện sơ tán tại chỗ.
Bà Đào Thị Châu (82 tuổi) được lực lượng dân phòng hỗ trợ đưa bà lên điểm sơ tán tập trung tại trường mầm non Hồng Đào. Bà Châu sống với em trai cũng đã lớn tuổi, trong ngôi nhà cấp 4 lợp tôn, nên mỗi lần có bão lớn bà đều di tản. “Đây là lần thứ ba trong mùa mưa này bà di tản rồi. Ở nhà mỗi hai thân già, bão vào không thể làm được gì nên bà đi cho an toàn, ở đây được các cháu chăm sóc nên cũng yên tâm” - bà Châu chia sẻ.
Quận Sơn Trà tiến hành sơ tán 6.870 người, quận Thanh Khê là 3.208 người, quận Ngũ Hành Sơn với 2.478 người.
Các gia đình tranh thủ chèn chống lại cửa nẻo, đa số các hộ đã có kinh nghiệm trong đợt bão số 9 vừa qua nên đều thực hiện chấp hành nghiêm.
Các quán hàng dọc đường biển Võ Nguyên Giáp đóng cửa từ sớm, gia cố lại để đảm bảo an toàn.
Từ sáng sớm, tại các chợ, lượng người vào mua đông và tăng nhiều hơn ngày thường. Người dân cũng tranh thủ mua lương thực, thực phẩm đủ dùng trong vài ngày.
Công tác neo đậu tàu thuyền tại các khu trú tránh trên địa bàn thành phố đã được thực hiện hoàn thành với 1.554 phương tiện khai thác thủy sản, neo đậu chủ yếu ở Âu thuyền Thọ Quang.
Lực lượng chức năng cũng đi kiểm tra nhắc nhở tàu thuyền tại Âu thuyền thực hiện neo đậu nghiêm túc.
Để ứng phó với bão số 13, thành phố đã thành lập 3 đoàn công tác do các Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn kiểm tra thực tế công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 13.
Các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, lực lượng chức năng cũng thực hiện hỗ trợ công tác ứng phó, sơ tán nhân dân, chằng chống nhà cửa, phân công cán bộ bám địa bàn; thông tin, tuyên truyền cho nhân dân biết tin bão để chủ động ứng phó; tổ chức di dời nhân dân sống tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; triển khai lực lượng hỗ trợ các trường học và nhân dân triển khai chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, vệ sinh môi trường; dự trữ lương thực, nước uống…
Lê Tâm