Đà Nẵng, Quảng Nam thông tin về công tác nhân quyền

Quảng Nam là tỉnh đầu tiên tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại.

Ngày 18-12, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tỉnh Quảng Nam năm 2024.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở LĐ-TB-XH, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng đại diện các cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Hồng Lai, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam, chia sẻ thông tin tại hội nghị

Ông Nguyễn Hồng Lai, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam, chia sẻ thông tin tại hội nghị

Đây là tỉnh đầu tiên của cả nước tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại.

Theo ông Nguyễn Hồng Lai, Phó Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Quảng Nam, hiện nay ở Trung ương, Bộ TT-TT chủ trì phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ duy trì cơ chế hội nghị định kỳ hằng tháng và cung cấp cho địa phương.

Trong năm 2025, Sở TT-TT sẽ nghiên cứu lồng ghép nội dung này vào các hội nghị giao ban báo chí hằng quý hoặc các cuộc họp báo của tỉnh để kịp thời cung cấp các tài liệu, báo cáo về công tác nhân quyền nói chung và của tỉnh Quảng Nam nói riêng đến các cơ quan báo chí.

Theo Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Quảng Nam, năm 2024, các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương của tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả việc xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Thượng tá Trần Ngọc Trai, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Quảng Nam, báo cáo chuyên đề công tác bảo đảm nhân quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tại hội nghị

Thượng tá Trần Ngọc Trai, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Quảng Nam, báo cáo chuyên đề công tác bảo đảm nhân quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tại hội nghị

Trong đó, về lĩnh vực tôn giáo, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo cho hơn 500 lượt cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo. Kịp thời tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết nhu cầu tôn giáo đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn và tuân thủ quy định của pháp luật; thường xuyên tổ chức thăm gặp các chức sắc, tín đồ tôn giáo, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, các lễ trọng trong tôn giáo (lễ Noel, lễ Phục sinh, lễ Phật đản, An cư Kiết hạ...).

Trên lĩnh vực dân tộc, tỉnh Quảng Nam đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả, trọng tâm là các chương trình, đề án của Chính phủ; tổ chức thành công Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Nam lần thứ IV năm 2024.

Công tác tiếp công dân được thực hiện đồng bộ, quyết liệt với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả. Tỉ lệ giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền cao hơn so với năm 2023 (tăng 11,3%), chất lượng giải quyết được nâng lên…

Ban Chỉ đạo của tỉnh đã thường xuyên định hướng công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác về nhân quyền theo hướng dẫn của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ. Các sở, ban, ngành, địa phương tích cực đăng tải trên các kênh thông tin đại chúng, các trang web, mạng xã hội các tin, bài về thành tựu trong công tác nhân quyền, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác nhân quyền; việc thực hiện chế độ chính sách đối với các đối tượng yếu thế (người già, trẻ em, người khuyết tật...); phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã thực hiện tốt công tác đối ngoại, ngoại giao nhân dân, tăng cường mở rộng quan hệ, trao đổi, hợp tác với các địa phương của Lào, Nhật Bản, Cuba, Hàn Quốc, Venezuela… trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội cũng như bảo đảm, thúc đẩy quyền con người…

Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng ngày 18-12 đã có công văn tăng cường tuyên truyền về nhân quyền và thông tin đối ngoại, nhân 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới.

Theo đó, trọng điểm của đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người gồm tuyên truyền về nội dung, giá trị lý luận thực tiễn của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 của Liên Hiệp Quốc; ý nghĩa của Tuyên ngôn đối với thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Tuyên truyền quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người; thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới trên các lĩnh vực: dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, quyền của người dân tộc thiểu số, quyền tự do báo chí, ngôn luận, internet…

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc thực thi các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; vị thế, vai trò và những đóng góp của Việt Nam trong các hoạt động xây dựng chính sách, thể chế, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực và trên thế giới; những sáng kiến, đóng góp của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025…

Trần Thường -Quang Luật

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quang-nam-cung-cap-thong-tin-cho-bao-chi-ve-cong-tac-nhan-quyen-196241218144441908.htm