Đà Nẵng rà soát hàng loạt dự án bất động sản
UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo khẩn trương rà soát các dự án đang vướng mắc thủ tục pháp lý trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
UBND TP.Đà Nẵng vừa có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Trung tâm Phát triển Quỹ đất triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản.
Liên quan đến việc xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND TP.Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án đang vướng mắc thủ tục pháp lý liên quan đến việc xác định giá đất cụ thể, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện Hòa Vang và các cơ quan đơn vị liên quan nghiên cứu và triển khai thực hiện các nội dung liên quan về việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đường bộ cao tốc.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có trách nhiệm triển khai thực hiện ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thành phố về để đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án trên địa bàn thành phố và các dự án đường bộ cao tốc đi qua thành phố (nếu có).
Đồng thời, tham mưu UBND thành phố ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định giá định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Hơn 1.300 dự án cần tháo gỡ pháp lý
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, qua rà soát, các khó khăn, vướng mắc có nhiều nguyên nhân, trong đó trên 50% vướng mắc của các dự án bất động sản liên quan đến pháp luật về đất đai.
Cụ thể, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá "thị trường" (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án). Thậm chí, nhiều trường hợp định giá cao hơn nhiều giá giao dịch thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp triển khai thực hiện.
Trước đó, phát biểu tại Hội thảo khoa học “Thảo luận, lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, một trong những vấn đề rất lớn của thành phố hiện nay là giải quyết những tồn tại cũ.
Theo đó, việc góp ý sửa đổi Luật đất đai hiện nay bản chất là đang giải quyết những tồn tại của Luật Đất đai 2003. Trong quá trình thực hiện Luật Đất đai từ năm 2003 đến 2010, qua tổng hợp rà soát trên địa bàn thành phố có trên 1.300 dự án đang vướng mắc.
Đây cũng là vấn đề Thường trực Thành ủy cũng đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TP.Đà Nẵng có tổng hợp báo cáo cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Song, để giải quyết được những khó khăn này, địa phương rất cần cơ sở về luật.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc xác định giá đất, theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà (TP.Đà Nẵng), một trong những nguyên tắc định giá đất là phải "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường".
Tuy nhiên, giá đất của Nhà nước quy định thường thấp hơn giá đất thị trường, dẫn đến một số trường hợp bảng giá đất bị vướng trần khung giá đất; quy trình xây dựng bảng giá đất, định giá đất cụ thể, thẩm định giá đất chưa bảo đảm tính khách quan…
Cùng với đó, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm của tổ chức tư vấn xác định giá đất đối với trường hợp kết quả định giá đất không bảo đảm tính trung thực, khách quan; việc quy định nội dung, áp dụng phương pháp định giá đất chưa thực sự cụ thể, chưa quy định nguyên tắc ưu tiên trong áp dụng phương pháp định giá đất.
Điều này đã dẫn đến bất cập, khó khăn khi thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng bởi giá đền bù quá chênh lệch với giá thị trường khiến người bị thu hồi đất thiệt thòi và không đồng thuận.
Do vậy, khi thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, dự án công cộng... thì mặt bằng luôn là một trong những "điểm nghẽn" khiến các công trình chậm tiến độ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/da-nang-ra-soat-hang-loat-du-an-bat-dong-san-post635220.html