Đà Nẵng: Rà soát luật để ngăn người nước ngoài sở hữu đất
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng khẳng định, không có trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất cho cá nhân là người nước ngoài.
Không cấp GCNQSD đất cho người nước ngoài
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng, khóa IX, đại biểu Huỳnh Bá Thành (tổ Đại Hòa Vang) cho rằng, theo quy định tại Luật Đất đai 2013 đều quy định chỉ giao đất, cho thuê đất đối với pháp nhân. Còn cá nhân người nước ngoài muốn được giao đất, thuê đất thì phải thành lập công ty tại Việt Nam.
"Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết có hay không việc người nước ngoài "núp bóng" người Việt Nam để sở hữu đất đai ở những vị trí nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia không? Và giải pháp xử lý đối với vấn đề này", đại biểu Thành chất vấn.
Trả lời vấn đề này, ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho hay, theo luật định, cá nhân là người nước ngoài không được giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cấp GCNQSD tại Việt Nam. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, thời hạn thuê đất theo thời hạn của dự án đầu tư nhưng không quá 50 năm. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn là giá trị quyền sử dụng đất thì phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định.
"Đối với các dự án, khu đất thuộc khu vực ven biển, biên giới biển theo quy định thì các sở, ngành có liên quan đã tham mưu UBND TP có văn bản xin ý kiến của 3 Bộ gồm: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao trước khi thực hiện các thủ tục tiếp theo. Do đó, Sở TN&MT khẳng định không có trường hợp cấp GCNQSD đất cho trường hợp cá nhân là người nước ngoài", ông Hùng khẳng định.
Cần rà soát Luật Đất đai, Đầu tư, Nhà ở
Theo ông Hùng, luật cho phép nhà đầu tư nước ngoài góp vốn với doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư kinh doanh. Việc lập thủ tục đăng ký góp vốn nêu trên do cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện và không được yêu cầu nộp thêm giấy tờ khác ngoài các giấy tờ quy định tại Luật Đầu tư. Do đó, trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đang quản lý, sử dụng đất, sau khi góp vốn có yếu tố nước ngoài sẽ trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư có liên quan đến đất đai.
Ông Hùng cho biết, ngoài ra, người nước ngoài hoạt động đầu tư ở Việt Nam bằng các hình thức cưới vợ hoặc chồng là người Việt Nam theo Luật Dân sự, Luật Hôn nhân. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài này có thể "núp bóng" gián tiếp hoặc trực tiếp sử dụng đất đã được cấp cho người Việt Nam để hoạt động đầu tư.
Trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các hồ sơ có liên quan đã được chứng thực, cơ quan đăng ký đất đai không đủ thẩm quyền, chức năng để xác định các trường hợp người nước ngoài "núp bóng" cá nhân hoặc tổ chức kinh tế Việt Nam đứng tên mua đất.
Do đó, cơ quan đăng ký đất đai không thể từ chối việc tiếp nhận hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất và đã thực hiện đăng ký biến động về đất đai; lập thủ tục cấp đổi GCNQSD đất cho các trường hợp nêu trên theo đúng quy định.
Ông Hùng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng người nước ngoài "núp bóng" người Việt Nam sở hữu đất đai thì cần phải rà soát các luật có liên quan như: Luật Đất đai, Đầu tư, Nhà ở…để bảo đảm tính thống nhất và chặt chẽ trong việc giải quyết các hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài.
"Trong công tác giao, cho thuê đất, quản lý hoạt động xây dựng, cần phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phân khu, chi tiết…, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật liên quan. Đặc biệt là thực hiện lấy ý kiến các bộ, ngành đối với khu vực ven biển, bảo đảm yếu tố an ninh, quốc phòng theo quy định", ông Hùng nói.
Ngoài ra, đối với các trường hợp có yếu tố nước ngoài lợi dụng kẽ hở pháp luật mua bán, sở hữu đất đai tại Việt Nam thì đề nghị các cơ quan có thẩm quyền về quốc phòng, an ninh cung cấp thông tin để Sở TN&MT kịp thời giải quyết. Báo cáo UBND TP và các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, áp dụng các biện pháp chế tài, ngăn chặn.