Đà Nẵng: Tập trung xử lý ổ dịch sốt xuất huyết có nguy cơ cao
Sau khi ghi nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết, những ngày qua, ngành y tế Đà Nẵng chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch, tiến hành điều tra dịch tễ, xử lý môi trường tại những khu vực nguy cơ cao.
Tại tổ 98 phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), khu vực tập kết lốp xe cao su là một trong những điểm nguy cơ cao với dịch sốt xuất huyết tại tổ 98. Trời mưa, những chiếc lốp xe là nơi sinh sôi của muỗi vằn lây truyền bệnh sốt xuất huyết.
Sau khi tiến hành điều tra dịch tễ, ngành y tế đánh giá chỉ số muỗi và côn trùng khu vực này thuộc vùng nguy cơ rất cao với dịch sốt xuất huyết.
Theo y sĩ Trần Lê Hùng, Khoa Kiểm soát Bệnh tật - Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), hiện chỉ số muỗi của phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh và Hòa Khánh Nam rất cao, đặc biệt ở những ổ dịch như Đa Phước, Quang Thành (Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu).
“Công tác diệt bọ gậy ở cái lốp xe này rất là khó, chỉ có biện pháp là đậy kín để không cho muỗi sinh sản. Còn những biện pháp khác chỉ là tạm thời như là đổ nhớt, khoan thủng các lốp,…”, y sĩ Trần Lê Hùng cho hay.
2 tuần gần đây, quận Liên Chiểu đã ghi nhận gần 40 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Các ổ dịch tập trung tại những khu vực gần bãi tập kết phế liệu, khu vực đất trống. Mầm bệnh cũng phát sinh ở nơi có vật dụng chứa nước trong nhà và khu vực xung quanh.
Phun hóa chất diệt muỗi trong nhà dân ở khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết
Để xử lý các ổ dịch, ngành y tế quận phối hợp đơn vị liên quan tiến hành phun xịt, xử lý môi trường khu vực ghi nhận ca bệnh. Đồng thời, phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai diệt lăng quăng, bọ gậy, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.
Ông Đinh Văn Thường, Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư Hòa Mỹ 5 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho biết, khi có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, UBND quận, phường cùng với các đoàn thể ở khu dân cư ra quân ngày chủ nhật để diệt lăng quăng, bọ gậy ở những vật dụng chứa nước cũng như vệ sinh môi trường xung quanh nhà để ngăn chặn muỗi sản sinh tập trung.
Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 1.300 ca mắc sốt xuất huyết. Hiện tại có 108 ổ bệnh sốt xuất huyết nhỏ có nguy cơ lan rộng, khó kiểm soát. Các địa phương có ca mắc tăng là Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu.
Ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cho biết, trong tuần qua, TP Đà Nẵng đang ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, trên dưới 100 ca. Những số liệu này được cập nhật từ hệ thống giám sát tuyến y tế xã, phường cho đến trung tâm y tế quận, huyện. Dựa trên giám sát đó xác định trọng điểm xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết, y tế các địa phương sẽ tham mưu cho chính quyền UBND xã, phường, UBND các quận, huyện triển khai các biện pháp để dập dịch kịp thời, tiến hành phun hóa chất diệt muỗi.
Theo Sở Y tế Đà Nẵng, các địa phương tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức để nâng cao ý thức người dân trong phòng chống dịch bệnh; tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy tại cộng đồng dân cư và vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi. Đặc biệt, công tác tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, lớp học và môi trường xung quanh phải được chú trọng.