Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới
Lượng mưa rất lớn từ khuya ngày 17/9 đến sáng sớm nay (18/9) đã khiến một số tuyến đường nội thị Đà Nẵng ngập cục bộ. Ghi nhận sáng nay tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, mưa lớn đã gây ngập cục bộ tại một số tuyến đường, đúng vào thời điểm phụ huynh đưa học sinh đến trường, di chuyển khó khăn.
Dự báo từ đêm ngày 18 đến 20/9, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khả năng sẽ có đợt mưa vừa, có nơi mưa to, mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm, có nơi trên 200mm.
Trên các sông khu vực Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt dao động. Nguy cơ xảy ra ngập lụt đô thị ở khu vực thấp trũng và thoát nước kém và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi.
Về công tác triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới, đến chiều tối ngày 17/9, tổng tàu thuyền neo đậu tại các bến của thành phố là 1.091 phương tiện/7.801 lao động, đang hoạt động trên biển là 68 phương tiện/515 lao động.
Hiện, các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Các đơn vị, các đài trực canh của Bộ đội Biên phòng thành phố đang duy trì thông tin, liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển, thông báo kêu gọi, hướng dẫn vòng tránh không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc vào bờ để trú tránh an toàn.
Đến nay, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải đã tiến hành nạo vét hơn 17.800 mương thu, cửa thu nước các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý; nạo vét khoảng 3.913 m3 bùn đất trên 40 tuyến cống thoát nước tại các địa phương.
Để chủ động ứng phó với mưa bão, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, hiện nay thành phố Đà Nẵng đã có kịch bản ứng phó theo từng cấp độ thiên tai, cùng với kinh nghiệm ứng phó bão lũ trong các năm trước. Vì vậy, các đơn vị, địa phương theo chức năng, tình hình thực tiễn, triển khai ngay các phương án phòng chống kịp thời, đặc biệt là phòng chống ngập úng và sạt lở tại các khu vực có nguy cơ cao.
Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc khẩn trương, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão để chủ động triển khai các phương án, biện pháp phòng chống, ứng phó, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống áp thấp nhiệt đới mưa lớn.
Yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương rà soát, kiểm tra việc nạo vét hệ thống thoát nước, khơi thông miệng hố ga, kênh mương, cống, rãnh, trục tiêu có nguy cơ bị tắc nghẽn; hố ga các tuyến công trình đang thi công có nguy cơ gây ngập úng khu dân cư.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu.
Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Công an thành phố chủ động bố trí lực lượng vũ trang tại các vị trí xung yếu, có nguy cơ ngập cao.
Đồng thời, tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, tập trung hướng dẫn, đôn đốc tàu cá rời ngay khỏi khu vực nguy hiểm.
Ủy ban nhân dân quận Cẩm Lệ khẩn trương đề xuất phương án chống sạt lở tại Cụm công nghiệp Cẩm Lệ, tuyệt đối bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân.
Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các biện pháp ứng phó toàn diện nhằm đảm bảo thông tin liên lạc không bị gián đoạn. Các cơ quan truyền thông tăng thời lượng phát sóng; đưa tin kịp thời, đầy đủ chính xác về áp thấp nhiệt đới; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại thấp nhất.