Đà Nẵng thu hút đầu tư các dự án trọng điểm phát triển kinh tế
Tại diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 được tổ chức ngày 25/6 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã công bố danh mục dự án thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030; trong đó, nhiều dự án hạ tầng lớn đã thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, thành phố xác định đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đà Nẵng đang chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, gắn thu hút đầu tư với đảm bảo quốc phòng - an ninh; bảo vệ tài nguyên và môi trường; gia tăng số lượng dự án FDI nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ nay đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng đang thu hút đầu tư 7 dự án trọng điểm, gồm các dự án: cảng Liên Chiểu; Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp; không gian Sáng tạo Đà Nẵng; trung tâm thương mại quốc tế; bệnh viện Quốc tế; viện dưỡng lão; trường liên cấp quốc tế.
Là một trong những nhà đầu tư quốc tế được UBND thành phố Đà Nẵng thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư dự án, ông Keigo Shiomi, Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo Corporation tại khu vực Châu Á & Châu Đại Dương cho biết rất vui khi tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố Đà Nẵng.
Tại Việt Nam, tập đoàn đã đầu tư các dự án tiêu biểu như: 3 khu công nghiệp Thăng Long, tuyến tàu điện nội thị Thành phố Hồ Chí Minh, nhà máy điện Vân Phong 1... Tháng 11/2021, UBND thành phố Đà Nẵng đã ký kết Biên bản ghi nhớ với liên danh Tập đoàn Sumitomo Corporation và Tập đoàn BRG về phát triển cơ sở hạ tầng tại Đà Nẵng. Sắp tới, Tập đoàn sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và hy vọng sẽ có cơ hội hiện thực hóa các dự án hạ tầng để góp phần phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố phát triển hàng đầu châu Á.
Tập đoàn Adani Ports&SEV là tập đoàn cơ sở hạ tầng lớn nhất của Ấn Độ với vốn hóa thị trường hơn 206 tỷ USD. Ông Sandeep Mehta, Chủ tịch Adani Pót & SEV cho biết, tập đoàn đang có vị thế lớn trong lĩnh vực cảng biển và đặc khu kinh tế tại Ấn Độ.
Adani có mạng lưới gồm 13 cảng trải khắp cả bờ Tây và Đông Ấn Độ với công suất xếp dỡ hàng hóa tổng hợp khoảng 560 triệu tấn. Adani Ports & SEV dự kiến sẽ đầu tư 10 tỷ USD tại Việt Nam; đồng thời quan tâm sự án Cảng Liên Chiểu, cùng với toàn bộ khu tiếp vận và khu công nghiệp tại Đà Nẵng, kỳ vọng sẽ đưa khu vực này trở thành cửa ngõ kinh tế của miền Trung Việt Nam.
Là một nhà đầu tư tại thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Trung Nam cam kết doanh nghiệp sẽ tiếp tục có những đóng góp nghiêm túc vào sự phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng trên con đường trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, trong thời gian tới, Trung Nam sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội Khu đô thị sinh thái Golden Hills City với quy mô gần 400 ha theo hướng sinh thái, thông minh, tạo môi trường sống hiện đại. Đồng thời đưa vào vận hành khai thác chuỗi 5 nhà máy sản xuất điện tử tại Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng; hoàn thành và đưa vào khai thác Giai đoạn 2 - Khu Công nghệ thông tin tập trung, xúc tiến kêu gọi đầu tư lấp đầy Khu Công nghệ thông tin tập trung, góp phần phát triển kinh tế cho thành phố...
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào Đà Nẵng là một tín hiệu đáng mừng. Bà cũng tin rằng quan hệ đối tác công tư hiệu quả và việc đầu tư công có chiến lược sẽ mang lại sức mạnh tổng hợp cần thiết cho sự phát triển bền vững của Đà Nẵng trong tương lai. Lãnh đạo thành phố đã đúng khi đặt ra tầm nhìn để tăng cường hơn nữa vai trò là một trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ của khu vực. Để đạt mục tiêu trên, thành phố cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lập quy hoạch, kế hoạch và tạo nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng công, đây là yếu tố quan trọng để hỗ trợ động lực phát triển, với trọng tâm là tính bền vững lâu dài.
Tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, UBND thành phố đã trao các Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Chủ trương nghiên cứu đầu tư; Thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đóng góp ý tưởng quy hoạch; Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đầu tư đề xuất hơn 5,6 tỷ USD.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, với sự đồng hành của các doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế thành phố đang từng bước hồi phục với nhiều kết quả khả quan, GRDP quý II/2022 tăng 12,3%, GRDP 6 tháng đầu năm tăng 7,23%. Trong thời gian tới, chính quyền thành phố đang tiếp tục chuẩn bị đầy đủ điều kiện về quy hoạch, hạ tầng để đón dòng vốn đầu tư. Cụ thể, Đà Nẵng sẽ sớm phê duyệt các quy hoạch phân khu làm cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư; chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất gắn với hạ tầng đồng bộ trong các khu, cụm công nghiệp.
Đà Nẵng cũng đang đẩy nhanh đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, như: đường vành đai phía Tây, xây dựng Nhà ga hàng hóa tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, mở thêm các đường bay quốc tế, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu...
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị các doanh nghiệp nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các dự án; hướng đến mục tiêu đầu tư, phát triển bền vững; sử dụng những công nghệ hiện đại, đặc biệt là hướng đến nền kinh tế xanh và bảo vệ môi trường.