Đà Nẵng: Thừa quỹ đất vẫn nợ đất tái định cư của hộ giải tỏa

Thông tin trên vừa được Cổng thông tin điện tử TP. Đà Nẵng nêu khi đưa tin về việc Ban Thường vụ Thành ủy đã tiến hành Hội nghị chuyên đề công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn TP. Đà Nẵng, diễn ra chiều ngày 29/7.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quỹ đất tái định cư nơi thừa, nơi thiếu

Theo nguồn tin trên, trong 6 tháng đầu năm 2019 các đơn vị đã giải quyết bố trí tái định cư cho 601 hộ với tổng số lô đất tái định cư đã bố trí 857 lô đất ở.

Trung tâm Phát triển quỹ đất đã bàn giao cho các quận, huyện là 3.977 lô. Tính đến ngày 30/6/2019, các quận, huyện đã bố trí 1.017 lô, còn lại chưa bố trí là 2.960 lô.

Đáng chú ý là hiện nay quỹ đất tái định cư đã có thực tế còn lại chưa bố trí Trung tâm Phát triển quỹ đất đang quản lý là 12.354 lô, nâng tổng cộng số lô đất còn lại chưa bố trí là 15.314 lô. Trong khi các quận huyện còn nợ 359 lô đất tái định cư đối với các hộ giải tỏa đã bàn giao mặt bằng.

Nguyên nhân nợ đất tái định cư của dân trong khi thừa quỹ đất nhiều do quỹ đất tái định cư trên địa bàn toàn thành phố còn thừa nhưng tập trung chủ yếu mặt cắt đường lớn và lô đất có vị trí mặt tiền. Các lô đất có mặt cắt đường 7,5m trở xuống đang thiếu cục bộ tại một số dự án.

Phần lớn các hộ nợ đất tập trung tại các dự án dự án mới triển khai và do các hộ dân có nhu cầu bố trí tại chỗ hoặc gần khu vực giải tỏa nên sau khi giải tỏa mới thi công hạ tầng kỹ thuật và để kịp thời triển khai dự án UBND thành phố đã có chủ trương bố trí tái định cư trên sơ đồ.

Ngoài ra, có một số dự án tại địa bàn Hòa Liên do xử lý lún nên kéo dài thời gian thi công.

Bên cạnh đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của thành phố thay đổi nhiều, trong khi công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai nhất là về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa hiệu quả dẫn đến người dân.

Trong khi đó, quỹ đất tái định cư nơi thừa, nơi thiếu, một số dự án không có quỹ đất gần khu vực giải tỏa nên phải bố trí tại các khu vực khác dẫn đến người dân không đồng thuận, phải liên tục điều chỉnh bổ sung phương án...

Giải phóng mặt bằng đối mặt nhiều trở ngại

Về công tác giải phóng mặt bằng, trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị đã hoàn thành 21/208 dự án (đạt 10,1%) với 1.544/9.746 hồ sơ (cần giải tỏa trong năm 2019), đạt 15,8%.

Cụ thể, các dự án nhóm I/2018 gồm 57 dự án đến nay mới hoàn thành 17/57 dự án (đạt 29,8%) với 235/783 hồ sơ (đạt 30,0%); các dự án nhóm I/2019 gồm 90 dự án, đến nay mới hoàn thành 4/90 dự án (đạt 4,4%) với 1107/7.665 hồ sơ (đạt 14,4%); các dự án nhóm II/2019 gồm 61 dự án là nhóm các dự án, công trình triển khai phân kỳ đền bù theo tiến độ thi công trong năm 2019 và năm 2020. Số vốn chi trả đền bù, hỗ trợ đến nay mới đạt 35,4% kế hoạch vốn.

Mổ xẻ thêm về những nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, theo ý kiến của các địa phương, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng hiện đang gặp rất nhiêu vướng mắc bởi đa số các dự án hiện nay là những dự án trọng điểm với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nên Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng chịu áp lực lớn vì khối lượng công việc rất nhiều.

Sở Tài nguyên và Môi trường thì cho biết việc điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định mới của Luật Đầu tư công đối với các dự án dở dang và nguồn vốn để đền bù giải tỏa đối với các dự án mới trong năm 2019 chậm được phê duyệt bổ sung, bố trí vốn; Công tác phối hợp trong điều chỉnh quy hoạch cục bộ; khảo sát, xác định ranh giới và lập quy hoạch các dự án mới chưa được chặt chẽ dẫn đến phát sinh điều chỉnh quy hoạch cục bộ.

Trong khi đó, phần lớn dự án dở dang kéo dài từ nhiều năm trước dẫn đến chênh lệch quá lớn về giá đất, giá đền bù nhà cửa, vật kiến trúc, giá nhân công xây dựng, vật liệu xây dựng… Hộ dân bị giải tỏa kiến nghị hỗ trợ chênh lệch giá, không nhận tiền và tự giác chấp hành bàn giao mặt bằng, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài mặc dù Lãnh đạo thành phố hoặc Hội đồng liên tục tổ chức tiếp công dân nhưng rất khó giải quyết theo kiến nghị của các hộ vì sẽ dắt dây phát sinh kiến nghị, dẫn đễn mất nhiều thời gian...

Thêm lựa chọn cho người dân

Với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: Hiện số lượng đất chưa bố trí còn quá nhiều, cần có cách làm khác.

Thứ nhất, phải xác định rõ việc xây dựng các khu tái định cư là dành cho các hộ bị giải tỏa nên có thể bố trí đất tái định cư cho người dân bị giải tỏa từ dự án này sang khu vực dự án khác. Như vậy không phải dự án nào cũng phải có một khu tái định cư riêng của dự án đó.

Thứ hai, việc xây dựng các khu đô thị tái định cư phải bảo đảm đúng quy hoạch đã được duyệt, có tầm nhìn chiến lược và phải đảm bảo hạ tầng chứ không thể chạy theo nhu cầu của người dân trong khu vực giải tỏa, rồi phá vỡ quy hoạch.

Các lô đất tái định cư chưa bố trí thì nay có thể xem xét điều chỉnh quy hoạch, ghép thửa, hợp thửa để có thể làm thành những thiết chế về nhà ở, văn hóa, thể thao hợp lý hơn.

Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh đến việc cần tư duy về cách thức thực hiện các phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, nên tính toán lại và quy ra giá trị bằng tiền để người dân có thêm sự chọn lựa thay vì như cách làm hiện nay là số lô đất tái định cư dẫn đến sự bất hợp lý, thiếu công bằng trong bồi thường.

Với công tác bồi thường, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh đến yêu cầu về sự linh hoạt, năng động trong thực hiện công tác này, “dám nghĩ dám làm nhưng phải đúng quy định của pháp luật”.

Yêu cầu công tác quản lý chặt chẽ, công khai minh bạch các thông tin cơ sở dữ liệu đất đai, các chính sách chủ trương của nhà nước; cùng với đó là các quy trình, thủ tục cụ thể, bảo đảm công tác này được chặt chẽ, công bằng …

Bí thứ Thành ủy chỉ đạo giao về cho UBND các quận, huyện làm Chủ tịch Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng thì việc phân cấp, phân công phải tương xứng với phân quyền.

Chủ tịch Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng phải được quyết định các vấn đề liên quan đến người dân bị giải tỏa, kể cả việc phê duyệt các phương án giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư; thông qua Mặt trận và các hội đoàn thể để lắng nghe giải quyết kịp thời những vấn đề của người dân… Đồng thời, khẳng định rõ trách nhiệm của Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án không thể tách rời với Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng các quận huyện.

MT

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/da-nang-thua-quy-dat-van-no-dat-tai-dinh-cu-cua-ho-giai-toa-90482.html