Trong tình huống khẩn cấp sẽ thành lập tổ công tác phản ứng nhanh để thực hiện mua bán điện trực tiếp

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, mua bán điện trực tiếp là cơ chế mới nên dự kiến sẽ có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

3 khó khăn trong triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/7, trả lời câu hỏi của phóng viên về Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Ngày 3/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, có hiệu lực ngay từ ngày 3/7/2024.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin với báo chí về việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin với báo chí về việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau hai ngày Nghị định được ban hành, ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định, có sự tham gia của đại diện 63 tỉnh thành, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông báo chí...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Nghị định 80 của Chính phủ về cơ chế mua bán điện giữa nhà phát triển điện tái tạo với khách hàng lớn là lần đầu tiên được đưa ra và chính sách mới nên còn đó những khó khăn khi thực hiện trong thực tế.

"Cơ chế mới, chắc chắn sẽ không tránh khỏi khó khăn. Đầu tiên là vấn đề nhà phát triển điện tái tạo được bán điện cho khách hàng lớn không qua đường truyền tải quốc gia, sử dụng đường dây riêng sẽ là khó khăn. Vấn đề này, đơn vị phát điện và khách hàng lớn phải tự thỏa thuận với nhau", Thứ trưởng Tân nói.

Khó khăn thứ hai, trong trường hợp mua bán điện trực tiếp có kết nối với lưới điện quốc gia, rõ ràng phải đảm bảo tính hệ thống và tính an toàn trong vận hành hệ thống điện. Có thể nhu cầu của khách hàng và năng lực cung ứng có thể chưa gặp nhau ở một số điểm.

Khó khăn thứ ba là do đây là cơ chế mới, bản thân các đơn vị phát điện, đơn vị điện lực và đặc biệt là đơn vị vận hành (các trung tâm điều độ hệ thống điện) sẽ phải sử dụng các quy trình riêng để thực hiện việc này.

Trong tình huống khẩn cấp sẽ thành lập tổ phản ứng nhanh

Để tháo gỡ khó khăn, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương sẽ theo dõi và có các chỉ đạo, về cơ bản đã giao cho các đơn vị để triển khai, cũng cố gắng để rà soát, triển khai đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình thực hiện.

"Trong tình huống khẩn cấp bộ thành lập tổ công tác theo dõi và phản ứng nhanh để thực hiện", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, đã đề nghị các địa phương cần tạo điều kiện và rà soát quy hoạch, đồng bộ các quy định xây dựng, phòng cháy chữa cháy, phát triển nhà máy điện đáp ứng nhu cầu khách hàng lớn.

Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang chịu trách nhiệm quản lý đơn vị vận hành hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu đăng ký khách hàng lớn...

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/se-thanh-lap-to-phan-ung-nhanh-de-kip-thoi-thao-go-kho-khan-trong-thuc-hien-mua-ban-dien-truc-tiep-330474.html