Đà Nẵng: Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh hướng tới mục tiêu Net Zero
Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu của toàn cầu. Cần phải có những ưu tiên thúc đẩy tài chính xanh để giải quyết vấn đề thiếu nguồn lực cho tăng trưởng xanh.
Sáng 21/11, tại TP. Đà Nẵng, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng và tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam với chủ đề “Công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh: Cơ hội phát triển các mô hình kinh tế mới”.
Hội thảo nhằm nắm bắt thông tin về thực trạng, cơ hội, thách thức cũng như xu hướng của ứng dụng công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh tế mới, từ đó tăng cường nhận thức và sự quan tâm của các nhà đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thông qua công cụ tài chính xanh.
Thông tin tại hội thảo, ông Đoàn Trường Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu như nước biển dâng, thiên tai, thời tiết cực đoan, các ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng tăng.
Vì vậy, thúc đẩy đầu tư xanh, thị trường tài chính xanh trở thành yếu tố quan trọng trong hành trình hướng đến mục tiêu Net Zero. "Đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành cam kết của nhiều nền kinh tế và các doanh nghiệp. Đến nay, đã có khoảng 140 quốc gia cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero, trong đó có Việt Nam", ông Đoàn Trường Giang thông tin.
Tại Việt Nam, thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 và cam kết thu hút các dòng tài chính xanh để phát triển năng lượng tái tạo, phát triển carbon thấp, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện các giải pháp bằng hành động thiết thực. Việt Nam đã xây dựng NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) với quyết tâm giảm phát thải khí nhà kính 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) với sự hỗ trợ của quốc tế vào năm 2030.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon. “Hội thảo thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam sẽ thảo luận, đánh giá hiện trạng phát triển và xác định những hướng mới cũng như đề xuất các biện pháp mới để chung tay thực hiện mục tiêu đầu tư xanh, tài chính xanh, chuyển đổi xanh”, ông Đoàn Trường Giang nói.
Hội thảo thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam gồm phiên tham luận và phiên thảo luận. Trong phiên tham luận, các chuyên gia về kinh tế xanh thông tin về vai trò của thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; thực trạng phát triển thị trường tài chính xanh; vai trò của các tổ chức tài chính và chính sách phát triển thị trường tài chính xanh và đầu tư xanh tại Việt Nam. Trong phiên thảo luận, các đại biểu sẽ thảo luận về thực trạng công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh và sự hỗ trợ từ nguồn nhân lực tài chính.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp là xu hướng tất yếu và là tương lai của toàn cầu.
Trong xu hướng chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế, đồng thời có cơ hội phát triển và lợi thế cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức về tài chính, công nghệ, thể chế, đặc biệt trong liên kết các bên đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm, đặc biệt là vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Còn TS. Lại Văn Mạnh - Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách và Tài nguyên môi trường đánh giá, chuyển đổi xanh mở ra cơ hội mới, tạo ra các nguồn lực mới. Để chuyển đổi xanh cần dòng vốn xanh.
Kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy tài chính xanh, TS. Lại Văn Mạnh cho rằng, cần thiết lập một lộ trình phù hợp; cho phép thử nghiệm cơ chế, chính sách mới, đột phá cho tín dụng xanh, trái phiếu xanh; sớm ban hành danh mục phân loại danh; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về chuyển đổi xanh, tài chính xanh, trong đó có các chính sách ưu đãi hỗ trợ…