Đà Nẵng tích cực phân phối thuốc uống tránh thai qua kênh xã hội hóa
Theo Chi cục DS-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng, hiện nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đa số các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn thành phố đã chấp nhận thực hiện biện pháp tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn.
Từ năm 2015, Đà Nẵng triển khai Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020" (gọi tắt là Đề án 818).
Thời gian đầu khi đưa vào triển khai, Đề án cũng gặp một số khó khăn nhất định. Theo đó, trên địa bàn thành phố, nhiều người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước. Vì vậy, việc thay đổi nhận thức từ được cấp phát phương tiện tránh thai miễn phí sang mua bán không dễ dàng.
Chị Trần Thị Yến Vy, cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang cho biết, tuyên truyền, vận động sử dụng các biện pháp tránh thai từ "bao cấp, miễn phí" sang "mua, bán" không phải lúc nào cũng thuận lợi. Bởi lẽ, những người còn khó khăn thì vẫn trông chờ, ỷ lại, mặt khác, những người có điều kiện vì nhiều lý do, họ tìm đến các hiệu thuốc tây hoặc kênh khác để mua, thay vì mua ở các cộng tác viên dân số.
Do đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách và các cộng tác viên dân số đã phải nỗ lực rất nhiều, thực hiện theo phương châm "mưa dầm thấm lâu" kiên trì tuyên truyền, tư vấn sử dụng các phương tiện tránh thai phù hợp với từng đối tượng.
Xuất phát từ khó khăn trên, thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động các đối tượng và sớm tìm được giải pháp khắc phục để nâng tỷ lệ người thực hiện các phương tiện tránh thai và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng truyền thông, bán hàng cho đội ngũ cán bộ công tác viên trực tiếp tham gia cung cấp, phân phối về các phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản của các quận, huyện; tổ chức các buổi truyền thông, giới thiệu sản phẩm nhằm nâng cao kỹ năng cung ứng tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa dịch vụ và các hoạt động nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Hằng năm, Trung tâm Tư vấn và Cung ứng Dịch vụ DS-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố nhận sản phẩm xã hội hóa phương tiện tránh thai và hàng hóa tiếp thị xã hội từ Ban quản lý Đề án 818, sau đó triển khai và phân phối theo cơ chế xã hội hóa cho 7 Trung tâm Y tế quận, huyện.
Trong số các sản phẩm phương tiện tránh thai đang phân phối qua kênh xã hội hóa tại Đà Nẵng, thuốc uống tránh thai là một trong những mặt hàng tiêu thụ khá mạnh. Cụ thể, theo Chi cục DS-KHHGĐ Đà Nẵng, hiện tại, thuốc uống tránh thai tại thành phố được cung ứng qua 3 kênh, gồm: miễn phí; tiếp thị xã hội, xã hội hóa (Nhà nước trợ giá) và thị trường. Trong đó, Trung tâm Tư vấn và Cung ứng Dịch vụ DS-KHHGĐ (thuộc Chi cục Dân số - KHHGĐ thành phố) là đơn vị cung ứng biện pháp tránh thai bằng kênh tiếp thị xã hội - xã hội hóa. Những năm gần đây, tỷ lệ được cung ứng theo kênh này ngày càng tăng cao.
Theo báo cáo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ thành phố, năm 2016, tỷ lệ viên uống tránh thai cung ứng theo kênh tiếp thị xã hội - xã hội hóa chỉ chiếm 4,1%, nhưng đến năm 2020, tỷ lệ này là 12,5% và năm 2021 là 15,2%.
Hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 73%. Đa số các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã chấp nhận thực hiện biện pháp tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn. Nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố đã đạt và vượt các chỉ tiêu về phổ biến, cung ứng dịch vụ, phương tiện tránh thai xã hội hóa đề ra.
Theo bà Phùng Thị Hương Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng, trong giai đoạn tới, Đà Nẵng tiếp tục chú trọng triển khai Đề án 818, đặc biệt là đẩy mạnh tiếp thị xã hội - xã hội hóa thuốc uống tránh thai hằng ngày. Theo đó, tích cực tổ chức tập huấn cho lực lượng cộng tác viên cơ sở; triển khai sinh hoạt chuyên đề hướng dẫn cho người dân tại các địa phương...
Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp công đoàn khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức tư vấn cho công nhân tiếp cận kênh xã hội hóa. Qua đó, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc uống tránh thai, bảo đảm công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn.