Đà Nẵng tiếp tục 'ai ở đâu thì ở đó' thêm 10 ngày với 3 vùng khác nhau
Huy động doanh nghiệp cung ứng, tăng số lao động tại các cửa hàng, siêu thị lên 60%, sử dụng đội ngũ shipper, cho mở lại lò mổ Đà Sơn để cung cấp hàng tươi sống và xem xét mở lại chợ truyền thống..., là những giải pháp Đà Nẵng triển khai để đảm bảo cho người dân trong 10 ngày 'ở yên' lần 2.
Người dân chung cư 12T2 (Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng) nhận hàng đặt mua từ tổ COVID-19 cộng đồng. Ảnh: Nguyễn Thành.
Sáng 25/8, UBND TP Đà Nẵng có quyết định bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, từ 8h ngày 26/8 đến 8h ngày 5/9, TP tiếp tục thực hiện các hoạt động quy định tại Quyết định số 2788 ngày 14/8/2021 của Chủ tịch UBND TP. Đồng thời bổ sung, điều chỉnh một số hoạt động mà người dân được phép tham gia.
Cụ thể:
- Hoạt động của các công ty thương mại đầu mối; trung tâm thương mại; siêu thị; chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini) được bố trí tối đa 100% số người làm việc.
- Hoạt động tại cơ quan, công sở nhà nước với các điều kiện sau: Tiếp tục bố trí tối đa 10% số người làm việc (trừ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch như công an, quân đội, y tế, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp) và thực hiện “3 tại chỗ” (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ). Trong trường hợp cần thiết phải thay đổi người làm việc, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định và thực hiện từ 7h đến 9h ngày 26/8. Phải có kết quả xét nghiệm định kỳ âm tính với vi rút SARS-CoV-2 theo quy định; đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch tại cơ quan, công sở nhà nước.
- Hoạt động tại các nhà máy, cơ sở sản xuất phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; bố trí tối đa 30% số người làm việc; đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”. Trong trường hợp cần thiết phải thay đổi người làm việc, Giám đốc/ chủ cơ sở, nhà máy sản xuất quyết định và thực hiện việc thay đổi này từ 5h đến 9h ngày 26/8/2021.
- Đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dừng hoạt động trong thời gian thực hiện Quyết định này thì được bố trí tối đa 3 người/mỗi đơn vị để xử lý công việc cần thiết liên quan đến các thủ tục hành chính, tài chính.
- Công trình xây dựng trọng điểm được phép hoạt động theo danh mục do Chủ tịch UBND TP quyết định, phải đảm bảo điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”.
- Đối với những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (shipper) được hoạt động từ 6h đến 20h. Đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng COVID-19. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ mỗi 3 ngày/1 lần bằng phương pháp RT-PCR. Đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch theo quy định; thực hiện 5K; thường xuyên mặc trang phục bảo hộ của ngành y tế, khẩu trang đạt chuẩn, kính chống giọt bắn, găng tay và khử khuẩn tay bằng nước sát khuẩn mang theo khi tham gia hoạt động.
Các hoạt động quan trọng và cấp thiết khác do chủ tịch UBND TP hoặc chủ tịch UBND các quận, huyện quyết định theo thẩm quyền.
Quyết định của UBND TP Đà Nẵng cũng chia các địa bàn với mức độ nguy cơ dịch bệnh tương ứng để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Cụ thể:
- Những địa bàn có mức độ nguy cơ rất cao (vùng đỏ): Là vùng cách ly tuyệt đối ít nhất 14 ngày; phải áp dụng biện pháp theo quy định tại Quyết định số 3986 ngày 16/9/2020 và Công điện số 1168 ngày 07/8/2021 của Bộ Y tế.
- Những địa bàn có mức độ nguy cơ và nguy cơ cao (gọi chung là vùng vàng): Áp dụng các biện pháp trên của TP để giảm mức độ nguy cơ.
- Những địa bàn có mức độ nguy cơ thấp (vùng xanh): Do chủ tịch UBND quận, huyện quyết định thiết lập khi 14 ngày liên tục không có ca bệnh nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Trường hợp phát sinh ca bệnh COVID-19, căn cứ hướng dẫn của ngành y tế, quyết định chuyển sang vùng vàng hoặc vùng đỏ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng.
Tại buổi họp báo về tình hình phòng chống dịch chiều qua 24/8, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết: Kể từ khi TP áp dụng "ai ở đâu thì ở đó", người dân đã có chuẩn bị trước đó về lương thực, thực phẩm trong nhà. Do đó, tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm cơ bản tạm ổn, người dân có sự hài lòng về việc cung ứng thực phẩm. TP cũng có sự hỗ trợ dồi dào về rau củ quả nên không có sự phàn nàn, không có quá tải trong việc cung ứng hàng hóa.
Tuy nhiên, theo giám đốc Sở Công thương, vào dịp cuối tuần (22/8) lượng đơn hàng tăng đột biến, có gây áp lực cho một số siêu thị, chuỗi cửa hàng trong việc cung ứng cho người dân. Lường trước được điều này, UBND TP đã tham mưu HĐND TP ban hành chính sách hỗ trợ người dân hơn 71 tỷ đồng. Trong đó, đã trích 25 tỷ để mua 50.000 suất hàng với định mức mỗi suất 500.000 đồng để hỗ trợ 50.000 hộ dân đặc biệt khó khăn (hơn 16% tổng hộ dân TP). Còn lại giao kinh phí với số tiền khoảng 46 tỷ đồng để các quận huyện hỗ trợ cho hơn 92.064 hộ dân (khoảng 34% tổng hộ dân TP).
"Với 71 tỷ đồng, TP đã hỗ trợ cho hơn 74% tổng số hộ dân trên địa bàn TP. Ngoài ra, trong thời gian này, Tập đoàn Sun Group cũng tài trợ 1.000 tấn rau củ quả cho toàn bộ người dân, dự kiến sẽ giao hàng đến hết thứ 6 tuần này. Về cơ bản TP đã có sự hỗ trợ người dân", bà Phương nói. Đồng thời, TP Đà Nẵng cũng đã vận động hội doanh nhân trẻ tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động đến các khu dân cư, giảm bớt thời gian chờ đợi khi đặt hàng.
Trong 10 ngày tới, bà Phương cho biết: TP có chủ trương nâng số lượng nhân viên làm việc tại trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện lợi lên tới 60% và cho phép không làm việc "3 tại chỗ" để đảm bảo duy trì hiệu suất làm việc, đảm bảo đủ nhân lực soạn hàng, sắp xếp hàng và giao hàng kịp thời cho người dân. Ngoài ra, TP cho phép đội ngũ shipper hoạt động thông qua việc đăng ký hợp đồng với các siêu thị, đơn vị phân phối. Những người này sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin, xét nghiệm. Khi đi giao hàng phải mặc đồ bảo hộ, kính chống bắn giọt. Việc này sẽ giảm rất nhiều áp lực trong việc đáp ứng nhu cầu cho người dân.
Theo bà Phương, nguồn hàng hóa không thiếu. Siêu thị sẵn sàng nhận hàng về bán. Nhưng lo nhất của họ là không đủ nhân lực để sắp xếp hàng, cung ứng cho số lượng đơn hàng tăng gấp 3-4 lần so với bình thường. Trong khi bình thường lực lượng này chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thị trường. Trong điều kiện chợ truyền thống chưa hoạt động lại được, các cửa hàng tạp hóa tạm thời đóng cửa, ngành công thương đã huy động các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa cho dân. Đó là nỗ lực rất lớn của TP. Nhưng để đáp ứng, đảm bảo 100% nhu cầu của người dân rất khó. Rất mong người dân hết sức chia sẻ.
"Thành phố sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng ở mức cơ bản nhất cho người dân", bà Phương nói.
Xem xét mở lại chợ truyền thống
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: UBND TP đã họp với các doanh nghiệp đầu mối thương mại, siêu thị sẽ nâng tổng số lao động từ 30% lên 60%. Các lao động sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin, xét nghiệm 3 ngày/lần, cấp thẻ nhận diện, thực hiện 2 điểm đến trên 1 cung đường.
Các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm sẽ ký hợp đồng với doanh nghiệp dịch vụ shipper để lên danh sách xét nghiệm, tiêm vắc xin, cấp thẻ nhận diện. Và khi đi giao hàng bắt buộc phải mặc đồ bảo hộ, chống giọt bắn.
Đà Nẵng sẽ xem xét mở lại một số chợ truyền thống khi điều kiện dịch tễ đảm bảo. Ảnh: Nguyễn Thành.
"Các hộ dân có thể đăng ký mua hàng qua ban điều hành tổ dân phố. Hoặc đặt hàng cho các siêu thị qua đội ngũ shipper. Thành phố sẽ mở lại lò mổ Đà Sơn, lò mổ cũng sẽ thực hiện 3 tại chỗ để cung cấp hàng tươi sống cho người dân".
Về lâu dài, ông Minh cho biết: TP cũng đã họp với các quận, huyện, ban quản lý chợ và sẽ trình UBND TP xem xét sớm mở lại chợ truyền thống vào thời điểm thích hợp khi điều kiện dịch tễ đảm bảo.
"Trong điều kiện dịch tễ đảm bảo, nếu cho phép, ở cấp TP sẽ mở lại chợ đầu mối và chợ Cồn. Tại mỗi quận huyện sẽ mở 2 đến 3 chợ", ông Minh cho biết.