Đà Nẵng tìm hướng tháo gỡ hơn 1.300 dự án còn vướng mắc bởi Luật Đất đai

Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết, từ năm 2003-2010, Đà Nẵng xác định có hơn 1.300 dự án đang gặp vướng mắc. Thành phố đề nghị Chính phủ xem xét thực tế khách quan, xây dựng các quy định pháp luật mới nhằm giải quyết những tồn đại, vướng mắc.

Ngày 28/2, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo khoa học “Thảo luận, lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất tham dự.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam, việc hạn chế làm giá đất cụ thể, nhất là trong lĩnh vực đấu giá đất với lý do là quá mất thời gian, nhưng thực tế khi đấu giá, giá trúng đấu giá là khác. Vì vậy, đề nghị Bộ TN&MT sửa đổi, không cần quy định có quy hoạch chi tiết 1/500 khi đấu giá đất.

Trong Luật Đất đai cần có nội dung về lấn biển để thể chế hóa, làm cơ sở pháp lý cho lấn biển. Nếu làm được điều này thì Đà Nẵng phát triển kinh tế biển mạnh mẽ. Dự án Khu đô thị Đa Phước nếu đi vào hoạt động thì mỗi năm thu được khoảng 100 tỷ đồng, nhưng lại không hoạt động 10 năm nay nên rất lãng phí nguồn lực.

Các đại biểu thảo luận chuyên đề đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính và dữ liệu, thông tin đất đai tại hội thảo.

Các đại biểu thảo luận chuyên đề đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính và dữ liệu, thông tin đất đai tại hội thảo.

“Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần quy định cụ thể hơn vấn đề lấn biển cùng các vấn đề liên quan để tháo gỡ các vướng mắc”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam kiến nghị.

Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT) Đào Trung Chính đã đề cập các quan điểm tiếp cận trong việc sửa đổi Luật Đất đai và các nội dung trọng tâm của dự Luật đất đai (sửa đổi).

Theo ông Đào Trung Chính, trong quan điểm sửa đổi Luật Đất đai phải tháo gỡ được những tồn tại, vướng mắc tại các địa phương phù hợp với tiến trình phát triển của kinh tế và khơi thông nguồn lực đất đai. Chúng tôi cũng khuyến nghị các địa phương trong quá trình nghiên cứu, góp ý và xây dựng dự thảo Luật, những vướng mắc của địa phương phải được tổng hợp, phản ánh và đưa ra giải pháp để Bộ TN&MT tiếp thu hoàn thành Luật Đất đai sửa đổi một cách thiết thực, hiệu quả nhất.

Đà Nẵng tìm hướng tháo gỡ hơn 1.300 dự án còn vướng mắc bởi Luật Đất đai.

Đà Nẵng tìm hướng tháo gỡ hơn 1.300 dự án còn vướng mắc bởi Luật Đất đai.

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng lại cho rằng: "Một trong những vấn đề rất lớn của thành phố hiện nay là giải quyết những câu chuyện cũ. Ở đây, chúng ta đang tổng kết thực tiễn Luật Đất đai năm 2013, nhưng về bản chất là chúng ta đang phải giải quyết những tồn tại của Luật Đất đai năm 2003.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Chẳng hạn, từ năm 2003-2010, thành phố xác định có hơn 1.300 dự án đang gặp vướng mắc và đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết. Do vậy, trong quá trình thảo luận, các đại biểu phản ánh trung thực nhất thực tế khách quan vì bản chất là xây dựng các quy định của pháp luật mới nhằm giải quyết những tồn đại, vướng mắc từ thực tế.

Trong quá trình xây dựng, tổng kết, chúng ta rút ra được những vấn đề mà thực tế đang vướng mắc. Hi vọng rằng, có cơ chế để giải quyết những vấn đề đó bởi những vấn đề này luôn tồn tại như vậy mà chúng ta lại có những quy định mới nhưng không giải quyết những vấn đề cũ, thì chúng chưa giải quyết được triệt để những yêu cầu khách quan đang đặt ra.

Vì vậy, những đại biểu tham dự hội thảo, nhất là những người làm trực tiếp đang phải giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc thì cần nêu các vấn đề, thực trạng để các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan của Bộ TN&MT nắm được, xem xét tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị.

Tại các phiên thảo luận, có một số ý kiến cho rằng, Đà Nẵng hiện có những dự án thương mại dịch vụ mang tính chất đặc thù (như dự án về condotel, dự án du lịch biển…), dự án cần đầu tư nguồn vốn đầu tư lớn (dự án phức hợp: khách sạn, trung tâm thương mại, tài chính …), các nhà đầu tư đều mong muốn được trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê vì khi trả tiền hằng năm, nhà đầu tư phải đóng tiền thuê đất theo những biến động về giá đất nên việc tính toán chi phí giá trị đầu tư là rất khó khăn.

Đồng thời, quyền sử dụng đất sẽ bị hạn chế khi chỉ được thực hiện các hoạt động liên quan đến tài sản trên đất, không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị cho nhà đầu tư được trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.

Đại diện một số đơn vị, địa phương đề nghị xem xét, bổ sung cụm từ “đất không có tranh chấp” và bày tỏ băn khoăn về quy định không bắt buộc công chứng, chứng thực đối với các hợp đồng giao dịch bất động sản đối với một bên là doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp, không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch, không bảo đảm an toàn pháp lý và không hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân...

Hoài Thu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/da-nang-tim-huong-thao-go-hon-1-300-du-an-con-vuong-mac-boi-luat-dat-dai-i685004/