Đà Nẵng tổng lực sơ tán dân trước 16 giờ, chuẩn bị cho đêm ngập thứ 2
Chủ tịch Đà Nẵng chỉ đạo toàn bộ các lực lượng tập trung sơ tán dân, chuẩn bị ứng phó đêm ngập lụt thứ hai dự báo còn phức tạp hơn.
Trưa 14-10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì cuộc họp ứng phó với mưa lớn, ngập lụt và sạt lở đất.
3.763 người dân được sơ tán
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Quân sự TP đã điều động 433 cán bộ chiến sĩ (CBCS) ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về ngập lụt.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã điều động 200 lượt CBCS hỗ trợ công tác khắc phục tại khu vực biên giới biển, các điểm sạt lở đường đèo Hải Vân.
Công an TP Đà Nẵng cũng huy động 100% quân số ứng trực với hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ. Qua đó đã hỗ trợ sơ tán dân, di dời tài sản tại đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái, ứng cứu người dân tại các khu vực ngập sâu.
Hiện toàn TP Đà Nẵng có 11 vị trí ngập từ 1 m trở lên. Cụ thể là năm vị trí tại phường Hòa Minh, sáu vị trí tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu).
Tại huyện Hòa Vang có 381 hộ bị ngập. Tính đến 9 giờ 30 ngày 14-10, có 3.763 người dân được sơ tán đến nơi an toàn. Phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) nhiều nhất với 3.190 người được sơ tán.
Về thiệt hại, ghi nhận ban đầu có 9,5 ha rau màu bị ngập. Một điểm sạt lở tại Km 905 đường đèo Hải Vân.
“Chạy đua” trước 16 giờ
Sau khi nghe các đơn vị, địa phương báo cáo, ông Lê Trung Chinh đánh giá cao các quận huyện, sở ngành, các lực lượng vũ trang đã rất chủ động ứng phó với đợt mưa lớn này. Nhờ đó bước đầu giảm thiểu thiệt hại.
Trước dự báo còn mưa lớn, ông Chinh yêu cầu các quận huyện tiếp tục duy trì số lượng người dân đã sơ tán, đồng thời mở rộng hơn nữa. Người dân nào chưa sơ tán thì phải đi trước 16 giờ hôm nay.
“Tối qua tôi đến khu vực Mẹ Suốt, nước trên mặt đường ngập khoảng 70-80 cm. Nhưng nếu chiều hôm nay mưa lớn thì khả năng nước còn lên nữa. Diện người dân phải sơ tán chỗ này rất đông, cần phải đảm bảo thực phẩm cho người dân, dứt khoát không để người dân thiếu ăn, chịu rét. Các địa phương dùng nguồn lực của mình, cần thiết đề nghị TP bổ sung”, ông Chinh nhấn mạnh.
Chủ tịch Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự TP điều lực lượng đóng tại các điểm then chốt như Khe Cạn, Mẹ Suốt, Nguyễn Nhàn trước 16 giờ.
Sở Du lịch được yêu cầu huy động 50 cán bộ thuộc lực lượng cứu hộ cứu nạn của sở trước 16 giờ lên các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu.
Ông Chinh giao Chủ tịch UBND quận huyện điều hành tổng chỉ huy các lực lượng trên địa bàn như quân đội, công an, các đội “cứu hộ 0 đồng”.
Sở Xây dựng được yêu cầu huy động tất cả cán bộ xuống địa bàn kiểm tra, vận hành tất cả máy bơm chống ngập.
Sở TN&MT chỉ đạo công ty môi trường đưa lực lượng xuống các điểm có dấu hiệu ngập rác để nạo vét, khơi thông. Sở NN&PTNT kiểm tra hồ đập, nghiêm cấm tàu thuyền người dân đi đánh bắt cá.
Ông Chinh yêu cầu Sở TT&TT thông tin ngay tình hình, cảnh báo mưa lớn vào chiều và tối nay cho nhân dân biết. Đồng thời tuyên truyền cho người dân cùng tham gia với chính quyền khơi thông miệng cống thoát nước trước nhà mình.
Chủ tịch Đà Nẵng nhấn mạnh phải xử lý nghiêm tin giả. “Chiều qua và sáng nay có rất nhiều tài khoản mạng xã hội đưa tin giả, không chính xác về tình hình ngập lụt gây hoang mang dư luận”, ông Chinh nói.
Sở GD&ĐT được yêu cầu chủ động trong việc quyết định có cho học sinh nghỉ học ngày thứ hai tới hay không. Nếu có thì tối chủ nhật thông báo cho người dân.
Ông Chinh cũng đề nghị các lãnh đạo UBND TP tăng cường đi cơ sở kiểm tra, nắm tình hình. Tuyệt đối không cho phép lặp lại tình trạng bị động trong ứng phó như đợt mưa lịch sử ngày 14-10-2022.