Đà Nẵng: Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng cao
Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, Đà Nẵng ghi nhận số lượng lớn bệnh nhân tay chân miệng, đa số là trẻ em, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trước tình trạng trên, ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã tích cực triển khai các biện pháp để ngăn ngừa dịch lây lan trong cộng đồng.
Mấy ngày gần đây, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng mỗi ngày tiếp nhận từ 10 - 20 trẻ bị bệnh tay chân miệng. Hiện có hơn 70 trường hợp đang điều trị bệnh tay chân miệng tại đây. Đa số là bệnh nhi trú tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và thường bị bệnh tay chân miệng mức độ 2B. Một số trường hợp, Bệnh viện phải sử dụng các biện pháp hồi sức hô hấp.
Sau khi phát hiện bé N.T.Q (21 tháng tuổi, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) xuất hiện những nốt nhỏ, sốt 39 độ. Gia đình đã khẩn trương đưa bé vào khám tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh tay chân miệng.
Chị Đ.T.H.T (trú tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) có con nhỏ bị tay chân miệng cho hay, cháu được gia đình đưa vào viện trong tình trạng sốt cao, kèm theo nôn, xuất hiện những nốt nhỏ quanh miệng và lòng bàn tay.
Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, với loại bệnh này, nếu người nhà đưa bệnh nhân nhập viện trễ sẽ gây biến chứng dẫn đến viêm màng não, phù phổi cấp rất nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh cho biết, trước tình trạng bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng, Trung tâm đã thành lập các đội cơ động phòng, chống dịch; sẵn sàng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là hóa chất để cấp cho các đơn vị, bệnh viện có thu dung điều trị bệnh tay chân miệng phục vụ việc xử lý, sát khuẩn môi trường…
Theo bác sĩ Thạnh, đây là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh dễ lây cho trẻ do hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không bảo đảm. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, quanh miệng…
Bác sĩ Thịnh khuyến cáo “Phụ huynh phải thường xuyên vệ sinh cho trẻ, tránh cho con tiếp xúc với những vật dụng bẩn. Khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh tay chân miệng, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời”.