Đà Nẵng triển khai cao điểm xử lý vấn nạn hàng giả

Trước tình trạng hàng giả diễn biến phức tạp, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo lực lượng Công an và các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là sữa, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhằm bảo vệ quyền lợi người dân và giữ vững an ninh trật tự.

Ngày 15/5, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 2865/UBND-SCT yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác quản lý, giám sát và xử lý nghiêm minh các vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Theo đó, lực lượng Công an TP Đà Nẵng được giao chủ trì nắm chắc tình hình, xác lập tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả; tập trung triệt phá các tổ chức, đường dây, đối tượng phạm tội có tổ chức liên quan đến sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, mua bán hóa đơn trái phép và các thủ đoạn gian lận thương mại tinh vi, có yếu tố xuyên quốc gia.

Lực lượng Công an, Quản lý thị trường TP Đà Nẵng liên tiếp phát hiện, xử lý các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không nguồn gốc trên địa bàn.

Lực lượng Công an, Quản lý thị trường TP Đà Nẵng liên tiếp phát hiện, xử lý các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không nguồn gốc trên địa bàn.

Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại các kênh phân phối tiềm ẩn nhiều rủi ro như đại lý nhỏ lẻ, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng nhạy cảm, phát hiện sớm các vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dược phẩm, thu hồi thuốc giả nếu phát hiện, tăng cường kiểm nghiệm chất lượng thuốc lưu hành, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN&PTNT tăng cường giám sát điều kiện an toàn trong sản xuất nông nghiệp, kiểm tra việc sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đẩy mạnh hậu kiểm, lấy mẫu kiểm nghiệm nhóm sản phẩm có nguy cơ cao, xử lý nghiêm vi phạm về công bố sản phẩm, quảng cáo sai sự thật.

TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử 13 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với quy mô hơn 1,6 triệu cuốn sách thành phẩm.

TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử 13 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với quy mô hơn 1,6 triệu cuốn sách thành phẩm.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan cũng được giao nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo lừa đảo, giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa trên môi trường mạng – nơi được xác định là địa bàn phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro hàng giả, hàng nhái.

Đặc biệt, các cấp chính quyền cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nắm chắc địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay, kịp thời tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính.

Nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định thị trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Việc mạnh tay ngăn chặn và xử lý các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả của TP Đà Nẵng gần đây nhất phải kể đến vụ án sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với 13 bị cáo liên quan với quy mô đặc biệt lớn, lên tới 1,6 triệu cuốn sách thành phẩm và hàng trăm ngàn bản in bán thành phẩm mà TAND TP Đà Nẵng vừa đưa ra xét xử vào ngày 14/5.

Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Trung Luật (SN 1981, trú TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH in bao bì Huy Trường Phát, lãnh án 12 năm tù) cùng Phạm Ngọc Quang (SN 1977, trú TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ quảng cáo Quang Thắng, lãnh án 7 năm tù) từ tháng 6/2024, đã tổ chức in ấn và sản xuất sách giáo khoa giả với quy mô công nghiệp. Cụ thể, nhóm này đã sản xuất hơn 1,6 triệu cuốn sách giáo khoa giả thành phẩm và khoảng 347.000 bản in bán thành phẩm chưa hoàn thiện, với tổng giá trị in trên bìa sách lên đến hơn 51 tỷ đồng.

Để vận hành đường dây, Luật thuê và phân công nhiều đối tượng sử dụng ô tô vận chuyển, quản lý kho hàng, xuất và giao sách giả, tiêu thụ… cho khách hàng với mức lương từ 9 - 15 triệu đồng/tháng. Phạm Ngọc Quang chịu trách nhiệm chính trong việc in sách giả, nhận thù lao từ Luật 270.000 đồng/ram giấy in 4 màu và 160.000 đồng/ram giấy in 2 màu (khổ 60x84cm). Số sách giả này được bán lại cho các nhà sách tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số tỉnh khác với giá chiết khấu 35% - 40% so với giá bìa, mang lại lợi nhuận khoảng 10% mỗi cuốn…

Hoài Thu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/da-nang-trien-khai-cao-diem-xu-ly-van-nan-hang-gia-i768489/