Đà Nẵng: Ưu tiên nguồn lực giải quyết dứt điểm các khu vực ngập nặng
TP. Đà Nẵng sẽ ưu tiên nguồn lực giải quyết dứt điểm từng khu bị ngập nặng, không đầu tư dàn trải.
Ngày 13/12, tại phiên thảo luận kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Đà Nẵng thứ 15 khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu HĐND thành phố đã thảo luận về giải pháp thoát nước đô thị.
Thống kê các đợt mưa trong năm 2022 và 2023 cho thấy tình trạng ngập nước một số khu vực trên địa bàn Thành phố có xu hướng phức tạp, có khoảng 50 điểm ngập nước, trong đó có một số khu vực ngập nặng trên địa bàn quận Liên Chiểu như Mẹ Suốt, cầu Đa Cô; Yên Thế-Bắc Sơn-Tôn Đức Thắng; kiệt 96 Điện Biên Phủ…
Đại biểu HĐND đánh giá, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như hệ thống thoát nước thành phố và các hồ điều tiết đã có tình trạng quá tải. Đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng bê tông hóa, làm suy giảm đáng kể khả năng thấm, giảm diện tích ao hồ, khu vực thấp trũng điều tiết nước. Một số dự án thoát nước chính chưa thi công hoàn thành; công tác nạo vét, khơi thông chưa đồng bộ…
Đại biểu Lê Văn Dũng, Tổ đại biểu HĐND đơn vị quận Hải Châu cho rằng, nguyên nhân quan trọng là thời tiết biến đổi cực đoan. Từ năm 1979-2021, lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 50 mm/giờ và lớn nhất 100 mm/3 giờ. Tuy nhiên, năm 2022, lượng mưa 150 mm/1 giờ và 407 mm/3 giờ. Năm 2023, lượng mưa trung bình 73 mm/1 giờ… Mạng lưới thoát nước chính chưa khai thác hết lợi thế tự nhiên.
"Các tuyến thoát nước đi lòng vòng, kéo dài, tập trung về cùng khu vực cửa xả dẫn đến xung đột, cản trở dòng chảy lẫn nhau. Bên cạnh đó, các dự án nạo vét, khơi thông không được thực hiện đồng bộ giữa các địa phương. Tình trạng đô thị hóa nhanh dẫn bến bê tông hóa giảm khả năng thấm và các hồ điều tiết bị quá tải", đại biểu phân tích.
Theo các đại biểu, trước mắt bên cạnh nạo vét, khơi thông, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các tuyến thoát nước chính dở dang, thành phố cần ưu tiên dành nguồn lực triển khai ngay xử lý một số vị trí. Đầu tư một số hướng thoát mới ra sông, vịnh để phân lưu các hướng thoát hiện trạng và khai thác các lợi thế giáp sông, giáp biển, phải tập trung nguồn lực ưu tiên cho các dự án chống ngập.
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, UBND Thành phố đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước đang triển khai; khảo sát đánh giá để nạo vét kịp thời, cải tạo hồ điều tiết trước mùa mưa.
Về lâu dài, lực lượng chức năng đang nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm. Thành phố đang triển khai quy hoạch chuyên ngành về cấp thoát nước với cơ sở dữ liệu đầu vào qua những cơn mưa và tính toán biến đổi khí hậu… Dự kiến trình báo cáo phê duyệt quy hoạch trong tháng 6/2024.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng đề nghị ngành xây dựng cũng như các ngành liên quan phải làm đồng bộ, từ khâu đầu tư, kinh phí để mua sắm, đến khâu quy hoạch, kỹ thuật và tuyên truyền vận động sự tham gia của người dân. Trong đó, ưu tiên nguồn lực giải quyết dứt điểm từng khu bị ngập nặng, không đầu tư dàn trải.
"Hồ điều tiết cũng khó khăn trong việc nạo vét xong đổ bùn ở đâu, chúng ta thấy mất nửa năm rồi cũng không trả lời được. Đây là câu chuyện của thành phố chứ không thể đổ cho cơ chế, chính sách, quy định pháp luật được. Nhận diện việc đó đi kèm với các giải pháp để giải quyết dứt điểm. Đề nghị UBND Thành phố cần phải quan tâm giải quyết", ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.